Di tích, nhân vật lich sử

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long

05/08/2022 06:05:50PM
Màu chữ Cỡ chữ

Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm nhà cổ Thanh Phú Long tọa lạc tại ấp Thanh Phú, xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, cách thành phố Tân An khoảng 20km về phía Nam. Từ Tân An, du khách đi theo Tỉnh lộ 827A khoảng 14km, rẽ phải theo đường nông thôn vào ấp Phú Tây khoảng 1,5km là đến khu di tích.

Khu nhà cổ của dòng họ Nguyễn Hữu còn được biết đến với cái tên “Xóm nhà giàu”. Có tài liệu cho rằng, địa danh này bắt nguồn từ tiếng Pháp. Trong một lần hành quân qua làng này, lính Pháp phát hiện những ngôi nhà to, đẹp được xây dựng theo kiến trúc cổ, thể hiện chủ nhân là những người giàu có nên chúng gọi là “Quartier de rich”, tạm dịch “Xóm nhà giàu”. Từ đó, người dân địa phương đã gọi theo địa danh này để chỉ những ngôi nhà cổ nơi đây.

Kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo trong Cụm nhà cổ Thanh Phú Long (Ảnh: Sưu tầm)

Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, trong phong trào “Nam tiến” của lưu dân người Việt, có một số dòng họ miền Trung vào Phiên Trấn (Sài Gòn) đi xuống, từ Mỹ Tho đi lên đã hội tụ dọc theo hai bờ sông Vàm Cỏ Đông và Vàm cỏ Tây, trong đó có vùng Thanh Phú Long - Châu Thành ngày nay để sinh cơ lập nghiệp. Trong số lưu dân người Việt đến khai hoang, lập ấp ở vùng đất này có gia đình ông Nguyễn Văn Mọi, gốc từ miền Trung. Ông Nguyễn Văn Mọi cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sườm di cư vào Nam, lưu lạc nhiều nơi, sau đó định cư tại Phú Tây (nay là xã Thanh Phú Long). Trải qua quá trình lao động cần cù, làm ăn ngày càng phát đạt, đến đời thứ 3 thì gia thế họ Nguyễn nổi danh khắp vùng và những ngôi nhà cổ ra đời từ đó. Con cháu họ Nguyễn đã xây dựng những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo, trang trí nội thất những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ cực kỳ tinh xảo; đồng thời lưu lại địa danh nổi tiếng: “Xóm nhà giàu”.

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long gồm 3 ngôi nhà có cấu trúc tương đối giống nhau, được xây dựng cách đều nhau trên một mảnh đất rộng khoảng 15.000m2 (mỗi ngôi nhà có diện tích 528m2 trong khu đất 5.000m2). Các ngôi nhà này được dựng kiểu nhà rội, tường gạch mái ngói, nền lát gạch hoa, kết cấu kiến trúc gỗ 3 gian 2 chái. Nhìn trên bình đồ, nhà có hình chữ Khẩu, gồm nhà trước và nhà sau, nối với nhau bằng hai nhà cầu, chính giữa có khoảng trống gọi là sân “thiên tỉnh” (giếng trời).

Chủ nhân xây dụng những ngôi nhà này thuộc tầng lớp thượng lưu, có danh tiếng và địa vị xã hội thời Pháp thuộc. Đầu tiên là nhà ông Nguyễn Hữu Hiệp, là một điền chủ giàu có và làm Cai tổng của làng (Cai tổng Hiệp). Hiện nay, ông Nguyễn Hữu Xuân (cháu cố ông Hiệp) là người thừa kế và quản lý ngôi nhà này.

Ngôi nhà thứ hai của ông Nguyễn Hữu Hoanh. Ông Hoanh sinh thời làm Hội đồng xã thời Pháp nên gọi là Hội đồng Hoanh. Sau khi ông Hoanh qua đời, ông Nguyễn Hữu Niên (cháu nội ông Hoanh) là người thừa kế ngôi nhà; khi ông Niên mất, bà Trần Thị Ba (vợ ông Niên) là người thừa kế và quản lý ngôi nhà đến nay.

Ngôi nhà thứ ba của ông Nguyễn Hữu Huyền (Hội đồng Huyền). Sau khi ông Huyền mất, ông Nguyễn Hữu Phuông (con ông Huyền) thừa kế ngôi nhà. Khi ông Phuông mất, bà Nguyễn Thị Ngà (con ông Phuông) thừa kế và quản lý ngôi nhà đến nay.

Căn cứ vào những hiện vật còn lưu giữ có ghi niên đại và lời thuật lại của con cháu dòng họ Nguyễn Hữu, thời gian tạo lập những ngôi nhà này sớm nhất vào cuối thế kỷ XIX cho đến những năm đầu thế kỷ XX. Đầu tiên là nhà ông Nguyễn Hữu Hiệp, trên các bức hoành phi có dòng lạc khoản Quý Mão niên tức năm 1903; kế đến là nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh, trên cuốn thư có 3 chữ Hán Đinh Mũi niên tức năm 1907; thứ 3 là nhà ông Nguyễn Hữu Huyền (con của ông Hoanh).

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long có chung đặc điểm là nội thất được xây dựng theo cùng một kiểu kiến trúc: nhà rội (nhà trước) và nhà xuyên trính (nhà sau) với bố cục thống nhất dạng hình chữ Khẩu. Lối kiến trúc này phổ biến ở miền Trung và ảnh hưởng nhiều đến kiến trúc nhà ở của một bộ phận lưu dân gốc miền Trung trong quá trình di dân khai phá vùng đất Nam Bộ dưới thời các Chúa Nguyễn, về mặt kỹ thuật cho thấy những ngôi nhà này được dựng bởi cùng một nhóm thợ từ miền Trung vào. Trên tổng thể, kết cấu kiến trúc những ngôi nhà này bằng gỗ là chủ yếu, bên cạnh đó pha lẫn kiến trúc phương Tây (mặt tiền nhà) bởi vì giai đoạn này văn hoá Pháp ít nhiều đã xâm nhập vào đời sống xã hội của người dân Nam Bộ, nhất là tầng lớp thượng lưu. Điều đó thể hiện ở mô thức kiến trúc kết hợp giữa nhà cổ truyền và nhà hiện đại trong những ngôi nhà cổ dòng họ Nguyễn. Cũng cùng là kiến trúc cổ nhưng nếu so sánh kiểu nhà rội nguyên bản tại miền Trung và những ngôi nhà cổ dòng họ Nguyễn, chúng ta thấy những ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn rộng rãi, thoáng đạt hơn với không gian nội ốc, ngoại vi có tính phóng khoáng, giao lưu mở rộng.

Sân thiên tỉnh ở giữa nhà trong lối kiến trúc nhà chữ Khẩu (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoại thất

Các ngôi nhà cổ có ngoại thất cơ bản giống nhau, cổng nhà rộng 3m, dựng theo hướng mặt tiền nhà, lệch về phía phải. Cổng gồm 2 trụ và 2 cánh. Trụ cổng vuông cao 3,5m, đoạn dưới mở rộng lượn vòng cung được xây bằng gạch, quét vôi ốp gạch men trang trí. Cánh cổng bằng gang, trang trí song thưa hoa lá kiểu châu Âu. Nhà được dựng trên nền đất cao khoảng 70cm, phần dưới xây bằng đá xanh ken nhau dạng nền “kim qui”, lớp trên cùng viền quanh nhà lát một lớp gạch thẻ dựng đứng ngoài rìa. Nhà nằm hướng Tây Nam, một vị trí địa lý khá tốt như quan niệm dân gian “Lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng Nam”. Lối vào nhà là 2 bậc tam cấp 2 bên hông nhà dẫn lên hàng ba và 1 bậc tam cấp ở cửa chính. Trước nhà có sân nhỏ xây bằng gạch. Toàn bộ mặt tiền trước đây được xây dựng theo kiểu kiến trúc thuộc địa với dạng cửa vòm cuốn, cột trụ trang trí dây lá châu Âu, song do bị hư hỏng nên gia chủ xây lại theo kiểu hiện nay. Hàng ba phía trước tường hai bên thụt vào, phần chính giữa nhô ra có 3 cửa. Các cửa đều được làm dạng cửa lá sách bằng gỗ chia làm 2 phần: phần bên dưới hình chữ nhật, trên hình vòng cung, tay nắm và chốt cửa làm bằng sắt kiểu Pháp đầu thế kỷ XX. Phần tường giáp mái xây một hàng gạch trang trí màu đỏ với hồi văn hoa dây 6 cánh. Lan can hàng ba mỗi bên có 3 cột trụ xây bằng xi măng, đối nhau, trên gác đầu kèo gỗ. Mái nhà lợp ngói âm dương.

Nội thất

Những ngôi nhà cổ của dòng họ Nguyễn Hữu có nội thất khá giống nhau. Kết cấu nhà trước kiểu nhà rội (nhà nọc ngựa hay còn gọi là nhà cột giữa) gồm 3 gian 2 chái theo kiểu “ngoại khách nội tự” (gian ngoài là phòng khách, gian trong là phòng thờ). Kiểu nhà rội cũng như kiểu nhà rường thường được ưa chuộng ở Nam Bộ, nó thích nghi với việc phòng chống lũ. Nhà rội trong mỗi vì có 3 cột chôn xuống đất, cột giữa nhô cao đến tận đỉnh nóc, tạo kiểu vì kèo chữ thập (tức vì kèo ba cột xa xưa) chống đỡ trực tiếp nóc mái đảm bảo một kết cấu vững chắc trước bão tố. Hai gian phía trước (ngăn cách bởi hai hàng cột giữa) được bài trí bàn, ghế tiếp khách; gian phía sau là nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Hai chái hai bên là phòng nghỉ, bên trái là nam bên phải là nữ theo nguyên tắc “nam tả, nữ hữu”. Phía sau vách ngăn (vách lụa) là nơi sinh hoạt.

Nội thất nhà ông Nguyễn Hữu Hoanh. (Ảnh: Sưu tầm)

Nhà chính (nhà trước) có 24 cột phân bố thành 4 hàng cột dọc, mỗi hàng có 6 cột. Đường kính mỗi cột lên tới 60cm, hầu hết được làm bằng gỗ căm xe, loại gỗ phổ biến ở Nam Bộ. Hầu hết gỗ làm nhà được mua từ Mỹ Tho, vận chuyển bằng đường sông. Ngói lợp nhà được vận chuyển bằng đường bộ về từ Biên Hoà (Đồng Nai). Riêng gạch hoa và một số bộ phận trang trí được đặt hàng từ bên Pháp chở sang. Nhà phụ (nhà sau) kết cấu kiểu “xuyên trính”, có 8 cột chia làm hai hàng, chân đế mỗi cột được kê bằng đá xanh, tiện tròn. Từng cặp cột cái được nối liền với nhau từng đôi theo chiều ngang nhà và được niêm cứng bởi một cây gỗ xuyên ngang qua gọi là cây trính. Giữa cây trính được gắn thẳng góc với cây trụ ngắn gọi là cây trổng. Đầu trổng nối liền với bộ phận cánh dơi để cây trổng đỡ đầu vào đòn dong ở góc nhà. Nơi tiếp giáp giữa cây trính và trổng là bộ chày cối tượng trưng cho âm dương hòa hợp do vậy nhà dạng này còn được gọi là nhà trính trổng hay nhà chày cối. 

Về nghệ thuật trang trí khá phong phú, đa dạng trong cách thể hiện. Cũng là những mô típ trang trí cổ điển như “Tứ linh”, “Bát bửu”, “Tứ thời” nhưng cách thể hiện không câu nệ, khuôn sáo. Ví dụ như đề tài: chim phượng; có nơi thể hiện dạng đề tài cách điệu như “dây lá hoá phượng”, có chỗ lại là đề tài tả thực như: “chim phượng và giỏ hoa” hoặc “hoa cúc và chim phượng”. Riêng các đề tài dạng cặp đôi cảnh vật như “Hoa điểu” có mặt hầu hết trên các tác phẩm chạm khắc gỗ, được thể hiện khá phong phú đó là mô típ trúc tước, sen le, cúc trĩ, mai điểu, mẫu đơn trĩ, cò sen...Các nghệ nhân cũng mạnh dạn địa phương hoá một cách sáng tạo các đồ án miêu tả cảnh vật thiên nhiên Nam Bộ như: chim ăn xoài, chim và trái điều, sen le, cua cốm, sen và chim bói cả, sóc giác... về tỷ lệ các đề tài dân gian chiếm ưu thế hơn. Tuy nhiên, ý nghĩa nhiều đồ án vẫn xoay quanh quan niệm “Ngũ phúc” của người xưa trong cuộc sống như: chim Phượng, Dơi, Mẫu đơn, Phật thủ (tượng trưng cho phú quý), Tùng lộc (trường thọ và giàu có), Lân, Sư tử (tượng trưng cho sự thành đạt), đào (trường thọ), lựu, bí, mướp (đông con)... Những câu chúc tụng bằng chữ Hán trên hoành phi, cuốn thư như: “Chấn Gia Thanh”, “Đức Lưu Phương”, “Quang Thế Trạch” thể hiện danh tiếng của dòng họ, mong ước một cuộc sống phú quý, trường thọ, con cháu học hành đỗ đạt.

Ngoài những tác phẩm điêu khắc gỗ tinh xảo, còn có sự hiện diện của những tác phẩm gỗ cẩn ốc như: liễn đối tủ thờ, trang trí trên cây xuyên, khung bao lam. Cùng với các hoành phi, cuốn thư sơn son thếp vàng, các tác phẩm này cũng làm đa dạng thêm loại hình sản phẩm mỹ thuật thủ công độc đáo trong các ngôi nhà cổ dòng họ Nguyễn, về kỹ thuật chạm khắc gỗ trên các công trình kiến trúc, đã thể hiện một bề dày kinh nghiệm cũng như tài năng sáng tạo của các nghệ nhân chạm khắc gỗ; phối hợp khá đa dạng, nhuần nhị các kỹ thuật chạm độc, chạm ém mí, chạm lộng, tỉa tách... với thủ pháp điêu luyện, chắc tay.

Về những tác phẩm chạm khắc gỗ gắn vào chi tiết kiến trúc và chi tiết cấu thành kiến trúc, từ phong cách nghệ thuật đến thủ pháp kỹ thuật cho thấy dấu ấn của nhóm nghệ nhân họ Đinh - một cánh thợ chạm khắc gỗ nổi tiếng ở Cần Đước (Long An) mà tác phẩm nghệ thuật của nhóm thợ này còn được lưu giữ ở khá nhiều công trình kiến trúc cổ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre... Những công trình kiến trúc gỗ, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trong kiến trúc của những ngôi nhà cổ ở “Xóm nhà giàu” cho thấy một trình độ bậc thầy của những người thợ mộc miền Trung, của những thợ chạm gỗ Nam Bộ trong xử lý kết cấu kiến trúc, xử lý kỹ thuật, bố cục đề tài, cũng như cách trình bày đa dạng và sinh động.

Một trong ba ngôi nhà trong cụm nhà cổ Thanh Phú Long (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài ra, Cụm nhà cổ Thanh Phú Long có những hiện vật quý hiếm, nổi bật nhất là 3 tủ thờ cẩn ốc xà cừ, có niên đại đầu thế kỷ XX, các bộ ván 2 tấm, 3 tấm bằng gõ đỏ, ghế bàn dài chạm nổi, ghế bàn tròn nguyên mặt, các bức hoành phi sơn son thếp vàng, đôi liễn cẩn ốc quí, các bộ lư đồng hình vuông có niên đại cuối thế kỷ XIX, các lục bình, bát hương bằng gốm có niên đại cuối thế kỷ XIX...

Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc truyền thống và nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, Cụm nhà cổ Thanh Phú Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BVHTT ngày 03-8-2007.

Để gìn giữ và phát huy những giá trị kiến trúc và điêu khắc truyền thống, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thật đặc sắc, các hiện vật quý hiếm, có niên đại từ thế kỷ XIX, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Long An phối hợp với Phân viện Khoa học Công nghệ xây dựng miền Nam thuộc Viện Khoa học - Công nghệ đã khảo sát thực tế Cụm nhà cổ Thanh Phú Long, lập dự án phục hồi, trùng tu và tôn tạo cụm di tích này.

Được sự hỗ trợ của Trung ương từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, năm 2017, ngành văn hóa, thể thao và du lịch Long An đã phục chế ngôi nhà ông Nguyễn Hữu Niên với kinh phí trên 7 tỷ đồng. Đây là một trong những ngôi nhà cổ đầu tiên của tỉnh được phục chế nguyên bản di tích gốc, góp phần quan trọng bảo tồn những ngôi nhà cổ với kiến trúc độc đáo ở Long An nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long là một nhóm di tích kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống của dân tộc. Trong xu thế hội nhập, hợp tác, phát triển về kinh tế - văn hóa mang tính toàn cầu, kiến trúc cổ và nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống Việt Nam là những di sản văn hóa - nghệ thuật quý báu của dân tộc, cần được bảo tồn và phát huy, phục vụ hiệu quả tham quan du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời cụm nhà cổ này là đề tài nghiên cứu quan trọng về kiến trúc và điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Nguyễn Văn Hiếu - Trích trong Di tích Quốc gia trên địa bàn tỉnh Long An, NXB Thanh niên, năm 2021

Các tin khác