Di tích, nhân vật lich sử

Lễ hội Làm chay - Nét đẹp truyền thống và hiện đại

08/02/2023 05:05:15PM
Màu chữ Cỡ chữ

Dù ai buôn bán bộn bề

Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu

Từ lâu lắm rồi những câu thơ này đã đi vào lòng người dân Châu Thành. Năm 2015, Lễ hội Làm Chay được công nhận Di sản phi vật thể cấp Quốc gia và đình Tân Xuân cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, để rồi không ai bảo ai, mọi người lại nhắc nhau “Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”. Sau khoảng thời gian chờ đợi, năm nay, người dân Châu Thành và du khách thập phương lại có cơ hội hòa mình vào không khí lễ hội với nhiều mong ước cho một năm mới bình an, may mắn. Năm 2023, Lễ hội Làm Chay được tổ chức lại với quy mô vốn có của một lễ hội dân gian, thu hút hàng chục ngàn lượt người đến tham quan và thưởng ngoạn trong 3 ngày, từ 04 đến 06/02 (nhằm ngày 14 đến 16 tháng Giêng). Ngay từ đầu, Công tác chuẩn bị được thực hiện chu đáo để người dân có “Cái tết thứ hai” vui tươi, lành mạnh, an toàn. Các khâu chuẩn bị về phần lễ, phần hội và an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm được chú trọng và có phương án thực hiện cụ thể.

Từ trước Tết nguyên đán, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã bắt đầu. Hàng trăm người dân tự nguyện chung tay trang trí, chuẩn bị cho Lễ hội Làm Chay. Mỗi người một nhiệm vụ, phối hợp nhịp nhàng hướng tới mục tiêu chung là huyện Châu Thành có một mùa lễ hội thành công. Một số khâu và phần việc cụ thể như sau:

Công tác trang trí khu vực lễ hội.

Các địa phương trên địa bàn huyện phụng cúng vật phẩm.

Công tác hậu cần

Bếp ăn tại đình Tân Xuân cũng phục vụ xuyên suốt từ những ngày chuẩn bị cho lễ hội cho đến những ngày lễ hội diễn ra: nguyên, vật liệu nấu ăn trong thời gian chuẩn bị và diễn ra lễ hội được các tiểu thương, doanh nghiệp và người dân đóng góp. Tất cả nguyên, vật liệu nấu ăn đến nước uống đều được xã hội hóa, là tấm lòng của người dân hướng về Lễ hội Làm Chay. Điều đó đã trở thành nét văn hóa của lễ hội.

Đối với người dân Châu Thành, Lễ hội Làm Chay là sự kiện quan trọng. Nhiều người tin tưởng rằng khi lễ hội được tổ chức thành công thì trong năm, người dân sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc. Từ sau lễ khai mạc vào chiều ngày 15 tháng Giêng, khách thập phương bắt đầu đổ về thị trấn Tầm Vu tham gia lễ hội. Đêm ngày 15 tháng Giêng, đường sá đông đúc, hàng quán nhộn nhịp, khu vực đình Tân Xuân luôn đông kín người ra, vào thắp hương, lễ thần. Khắp các ngả đường trong thị trấn Tầm Vu luôn rực rỡ ánh đèn; mâm cúng, đàn cúng tế tại các xã, thị trấn cũng hoàn tất.

Đại biểu cắt băng khai mạc Lễ hội Làm Chay.

Đồng chí Nguyễn Văn Khải - Chủ tịch UBND huyện đánh trống khai mạc Lễ hội Làm Chay.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Thanh Hải thắp hương tại lễ khai mạc Lễ hội Làm Chay.

Nhiều hoạt động phần hội

Ngày 16 tháng Giêng, nhiều hoạt động của Lễ hội Làm Chay chính thức bắt đầu và kéo dài từ 8 đến 24 giờ. Trò chơi dân gian luôn là khu vực thu hút đông đảo khách tham gia, nhất là các bạn trẻ như: đánh cờ tướng, kéo co, đập nồi, nhảy bao bố, múa lân, thả vịt… khu vực trò chơi dân gian tạo không khí vui vẻ, rộn ràng. Đặc biệt là 8 đội lân nghiệp dư của huyện đã phục vụ và so tài với nhau. Ngoài ra, hai đội lân chuyên nghiệp của Tân An và Thủ Thừa đã đến phục vụ trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân; Phần thả vịt cũng được diễn ra với sự trông chờ, háo hức, sôi nổi của các thành viên tham gia.

Hội thi múa Lân Sư Rồng.

Trò chơi thả vịt.

Trò chơi nhảy bao bố.

Trò chơi đập heo đất.

Các nghi thức Lễ chính

Ngoài khu vực trò chơi và các hoạt động phần hội thì nhiều nghi thức thuộc phần lễ cũng được người dân hưởng ứng, tham gia như: Thỉnh Tiêu diện Đại sĩ lên giàn, chiêu u (đường bộ và đường sông), đánh động, cúng Tế lễ, phát lộc, đốt ông Tiêu,...

Tiêu diện Đại sĩ được xem là đại diện của Bồ Tát, là nhân vật chính của Lễ hội Làm Chay. Tạo hình ông Tiêu cao khoảng 2m, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng, lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông. Hoạt động rước và đốt ông Tiêu luôn là những hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia nhằm cầu mong năm mới được bình an, may mắn. Mở đầu phần Lễ là nghi thức thỉnh Tiêu diện đại sĩ từ Chùa Linh Phước về Linh Võ Tự (Chùa Ông) vào trưa rằm tháng giêng, và đúng 10 giờ 30 phút ngày 16 tháng giêng, Tiêu được thực hiện các nghi thức rước về sân Lễ.

Nghi thức cúng rước Tiêu diện Đại sĩ về sân lễ.

12 giờ trưa ngày 16 tháng giêng, hoạt động chiêu u đường sông và đường bộ chính thức bắt đầu. Chiêu u là một trong những hoạt động chính của Lễ hội Làm Chay nhằm đón rước, đưa các cô hồn, chiến sĩ trận vong về đình Tân Xuân để thực hiện các nghi thức cúng bái, cầu siêu. Chiêu u là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc và cũng được người dân hưởng ứng đông đảo, tạo nên nét đặc trưng riêng của Lễ hội Làm Chay. Đoàn chiêu u đến các địa điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn ông Tiêu trong Lễ hội. Các điểm Chiêu u được người dân lập nên thường là ở các ngã ba, ngã tư trên khắp địa bàn huyện với sự cho phép của chính quyền địa phương. Đoàn Chiêu u đến từng điểm chiêu u thực hiện nghi thức đón rước cô hồn. Sau đó, các vật phẩm cúng tế tại điểm Chiêu u được trao cho người dân như món lộc đầu năm mang theo may mắn. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo các điểm chiêu u trong khắp cả huyện, người dân còn tháp tùng theo đoàn chiêu u tạo thành dòng người dài với đủ loại phương tiện, tạo không khí náo nhiệt nhưng vẫn bảo đảm an ninh, trật tự dưới sự giám sát của lực lượng công an.

Người dân chuẩn bị vật phẩm cúng tế tại các địa điểm chiêu u.

Nghi thức cúng tế tại địa điểm chiêu u.

Người dân tham gia đoàn chiêu u.

Các nghi thức khác của Lễ hội Làm Chay tiếp tục diễn ra vào đêm 16 tháng Giêng như: diễu hành đoàn xe hoa, ghe đăng. Nghi thức đánh động trên địa bàn thị trấn Tầm Vu lúc bắt đầu 18g30 phút đêm 16 để “bắt” ma quỷ và trong quá trình di chuyển, nhiều người dân đi theo đoàn, hò hét, đánh trống... Nghi thức lên giàn cúng Tế lễ của phật giáo, nghi thức đăng điện, cúng tế, cầu siêu chư chơn linh chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn của Cao đài. Một nghi thức khác rất được người dân trông chờ là Phát lộc trong lễ hội được diễn ra trước thời điểm đốt Ông Tiêu. Lộc là những vật phẩm cúng tế, những cổ bánh được phụng cúng, tuy rất đơn giản, mộc mạc nhưng là cả niềm tin được người nhận gửi gắm, trân trọng, mong chờ để cầu mong cho một năm thuận lợi, bình an, sung túc. Lễ hội chính thức kết thúc sau khi đốt ông Tiêu vào lúc 24 giờ, khi những ánh lửa cuối cùng sắp hết thì những tiếng reo hò, vỗ tay, những tiếng kèn cùng hòa quyện vào nhau vang lên những âm thanh vui tươi, ấm cúng báo hiệu sự thành công và kết thúc Lễ hội.

Đoàn xe hoa diễu hành các trục lộ chính.

Nghi thức "đánh động" tại Lễ hội.

Phát lộc tại Lễ hội.

Nghi thức đốt Ông Tiêu.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự trong Lễ hội

Lễ hội được tổ chức tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, thu hút rất đông du khách thập phương. Do có lượng người tham gia đông nên công tác giữ gìn ANTT, phòng, chống tội phạm luôn được chính quyền, lực lượng chức năng và Ban Tổ chức lễ hội đặc biệt quan tâm, có những giải pháp và phương án thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ và trộm cắp, cướp giật. Ngoài ra, Lễ hội cũng chú trọng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, trong việc tổ chức hậu cần, phục vụ... Từ chiều ngày 15 tháng Giêng năm Quý Mão, tại các cổng vào lễ hội, khu vực hành lễ, xe hoa,... đều có lực lượng dân phố, dân quân làm nhiệm vụ (đây đều là lực lượng tình nguyện), người dân địa phương ai có của góp của, ai có công góp công, ai có sức góp sức để tổ chức lễ hội. Không chỉ vậy, lực lượng công an, dân phòng, quân sự tăng cường lực lượng, luôn túc trực, bảo vệ khu hành lễ; giữ gìn ANTT, an toàn giao thông ở các điểm, chốt, tuyến đường trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Lực lượng chức năng và lực lượng tình nguyện đảm bảo an ninh Lễ hội.

Lễ hội Làm Chay khá đặc biệt khi có sự tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Lễ hội gồm nhiều hoạt động, nghi thức cúng tế được kết hợp giữa Phật giáo, Đạo giáo được đông đảo người dân hưởng ứng một cách nhiệt tình. Thông qua lễ hội, sự đoàn kết, thống nhất chia sẽ giữa người dân với nhau, giữa các tôn giáo với nhau là nét văn hóa đặc sắc làm nên lễ hội. Sau khi lễ hội kết thúc, mọi phẩm vật đều được chia sẻ cho khách thập phương với kỳ vọng ai cũng nhận được lộc may mắn đầu năm mới. Lễ hội Làm Chay được tổ chức với mục đích bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá phi vật thể độc đáo; tôn vinh công đức to lớn của các anh hùng trong sự nghiệp giữ nước; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất và người Châu Thành đồng thời đây cũng là nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với di tích Đình Tân Xuân và Lễ hội Làm chay.

Người dân tham gia tại khu vực sân lễ.

Sau 3 ngày diễn ra sôi nổi và náo nhiệt, Lễ hội Làm Chay khép lại, người dân Châu Thành cũng như khách thập phương tham gia lễ hội lại có thêm niềm tin vào một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái, dân an./.

Bích Tuyền

Các tin khác