Thông tin tuyên truyền

Phát huy hiệu quả và giải pháp duy trì diện tích trồng cây thanh long huyện Châu Thành - Long An

21/04/2022 07:55:11PM
Màu chữ Cỡ chữ

Huyện Châu Thành là huyện nông nghiệp nằm phía nam tỉnh Long An, thế mạnh của huyện là trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó cây thanh long là cây trồng chủ lực của huyện. Hiện tại trên địa bàn huyện diện tích trồng cây thanh long là 8.648,47 ha, trong đó thanh long ruột đỏ 8.411,87 ha, thanh long ruột trắng 236,6 ha, diện tích cho trái 8.134,80 ha. Diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP 641,31 ha.

Ảnh: Vườn thanh long già cỗi phá bỏ và trồng lại mới tại xã Thanh Phú Long

Thời điểm trước năm 2020, cây thanh long là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế rất cao, gấp từ 5-7 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài giá bán trái thanh long thấp, giá vật tư phục vụ cho sản xuất tăng cao, người trồng thanh long không có lãi, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất cây thanh long của huyện. Bên cạnh giá thanh long giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, một phần do thị trường các nước nhập khẩu đòi hỏi sản phẩm trái thanh long phải đảm bảo về chất lượng (sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP; không nhiễm Covid), trong khi đó, đa phần diện tích trồng thanh long của huyện sản xuất không theo hướng sạch, và một số vườn thanh long già cỗi mang nhiều mầm bệnh nên sản phẩm trái thanh long không đáp ứng được thị trường của các nước nhập khẩu, thanh long luôn bán giá thấp. Hơn nữa, trong thời gian qua Trung Quốc áp dụng chính sách zero-Covid nên sản phẩm trái thanh long Việt Nam nói chung và huyện Châu Thành - Long An nói riêng không xuất được sang Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ trên 85% sản phẩm trái thanh long của Việt Nam.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Châu Thành nhiệm kỳ 2020-2025 xác định cây thanh long là cây trồng chủ lực của huyện, đây là loại trái cây có lợi thế cạnh tranh cao trong số các loại trái cây ở Việt Nam, đồng thời cũng được xếp vào nhóm hàng trái cây xuất khẩu của cả nước nói chung và huyện Châu Thành nói riêng.

Thực tế trong các năm qua, cây thanh long đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nhà vườn trên địa bàn huyện; thu nhập nông dân huyện nhà rất cao so với nông dân các huyện không trồng thanh long, chính thu nhập từ thanh long giúp nhân dân xây dựng nhà cửa khang trang, góp phần cùng Nhà nước chung sức xây dựng nông thôn mới; vì thế đã góp phần xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Xét về giá trị kinh tế, thanh long vẫn là loại cây trồng đem lại lợi nhuận cao so với cây trồng khác như: dừa, mít, ổi, xoài, bưởi,.. Chính thanh long là cây phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai trên địa bàn huyện Châu Thành - Long An. Là cây cho năng suất cao nhất, trên 30 tấn/ha/năm; cho trái quanh năm, tăng thu nhập đáng kể cho người dân.

Tuy nhiên trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó khăn; nhất là hiện nay Trung Quốc đang áp dụng chính sách Zero-Covid nên thanh long Việt Nam rất khó xuất sang thị trường này, vì trái thanh long không đảm bảo chất lượng, không được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và mã số vùng trồng làm cho giá thanh long sụt giảm nghiêm trọng, nhà vườn liên tục lỗ, thiếu vốn tái sản xuất, một số hộ tự chặt phá bỏ thanh long chuyển sang một số loại cây trồng khác đây là hình thức canh tác tự phát, manh mún và không theo quy hoạch, giá trị đầu ra bấp bênh ảnh hưởng rất lớn đến giá trị kinh tế sau này.

Ảnh: Vườn thanh long già cỗi phá bỏ và trồng lại mới tại xã Thuận Mỹ.

Trên một số trang websize bán hàng online ở Trung Quốc, giá thanh long Việt Nam bán ở Trung Quốc dao động từ 29 NDT đến 79 NDT tức dao động từ 50.000 đồng đến 150.000 đồng, điều đó cho thấy thanh long Việt Nam có giá rất cao và là mặt hàng được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh tại Trung Quốc.

Chính vì lý do trên, khuyến cáo người dân nên tiếp tục duy trì diện tích trồng thanh long, chỉ phá bỏ diện tích già cỗi, nhưng cây trồng thay thế vẫn là cây thanh long. Không nên tự phát chuyển sang cây trồng khác và nuôi thủy sản không theo định hướng quy hoạch chung của huyện.

Để trái thanh long trong thời gian tới sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ ổn định, nông dân huyện nhà tích cực tham gia thực hiện chương trình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao do huyện tổ chức, sản xuất ra trái thanh long sạch, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, mã số vùng trồng, để thanh long Châu Thành được xuất khẩu bền vững đi các nước trên thế giới./.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành

Các tin khác