Thông tin tuyên truyền

Huyện Châu Thành hoàn thành Huyện nông thôn mới nâng cao

16/02/2024 07:43:52AM
Màu chữ Cỡ chữ

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp Hành TW Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Long An; Nghị quyết của Huyện ủy; UBND huyện Châu Thành có Quyết định số 1402/QĐ-UBND ngày 9/8/2012 về ban hành Kế hoạch tuyên truyền Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Châu Thành. Khi bắt tay vào thực hiện, huyện "Lấy đồ án quy hoạch nông thôn mới đã được phê duyệt làm tiền đề; lấy phát triển sản xuất làm gốc; lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu; lấy lợi ích mang lại cho người dân và cộng đồng làm động lực; lấy sự đồng thuận, góp sức của cộng đồng cư dân là bí quyết của thành công".

Qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Thành đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng điểm, trọng tâm với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đến nay, chương trình đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật là diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Ảnh: Xuân về trên huyện Nông thôn mới

Khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện xác định phải hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ thì mới nâng cao được đời sống của người dân, mới làm cho kinh tế xã hội phát triển. Xây dựng nông thôn mới chính là một cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện, với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi, chủ động tham gia tích cực, thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ngoài cơ chế tỉnh hỗ trợ để thực hiện xây dựng các tuyến đường trục chính xã, các tuyến đường trục ấp, ngõ xóm nhân dân tự xây dựng theo thiết kế mẫu, huyện hỗ trợ một phần kinh phí cùng với nhân dân thực hiện. Tính riêng trong giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao 2020-2023, hệ thống đường giao thông trên địa bàn có 97 tuyến đường đã được thực hiện, nâng cấp, nhựa hóa hoặc bê tông xi măng với tổng chiều dài 190 km. tổng kinh phí thực hiện là 56,7 tỷ đồng. Cùng với giao thông, hệ thống thủy lợi trên địa bàn các xã được UBND huyện ưu tiên, quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đúng theo quy cách, tạo nên sự đồng bộ của hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện, từ công trình đầu mối đến hệ thống kênh mương nội đồng đều được quản lý khai thác hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho dân cư nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế chung trên địa bàn; đến nay toàn huyện thực hiện 112 công trình thủy lợi, 72,3 km đê bao, 215 km kênh. Các công trình thủy lợi đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động cho 100% diện tích đất nông nghiệp.

Giai đoạn năm 2020-2023, huyện Châu Thành đã huy động tổng nguồn lực cho xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao là 730 tỷ 768 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 24,714 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 70,520 tỷ đồng, ngân sách huyện 426,670 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 131,2 tỷ đồng.

Cơ sở hạ tầng nông thôn hoàn chỉnh là điều kiện tốt cho việc phát triển kinh tế. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển đúng hướng, sản xuất theo quy mô hàng hóa. Huyện đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung, cụ thể là diện tích trồng thanh long gần 7.000 ha, diện tích nuôi tôm hàng năm trên 1.500 ha. Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả thiết thực, tăng thu nhập cho người nông dân. Cơ cấu cây trồng được tập trung chuyển đổi từ trồng cây lúa sang trồng thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp của địa phương. Để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với tiến bộ khoa học, áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, huyện đã tổ chức xây dựng phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động hỗ trợ kinh phí, tập huấn học tập kỹ thuật, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm mô hình tại các địa phương khác, trên địa bàn các xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tính đến cuối tháng 12 năm 2023, diện tích cây thanh long trên địa bàn thuyện Châu Thành có trên 6.800 ha, sản lượng đạt 180.000 tấn. Diện tích thanh long được cấp giấy chứng nhận VietGAP là 726,27 ha/ 1.041 hộ; GlobalGAP là 323 ha. Huyện phối hợp với chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và quản lý chất lượng nông sản tỉnh hoàn thiện hồ sơ, lấy mẫu đất, nước để đánh giá chứng nhận VietGAP cho 10 hợp tác xã với diện tích 274,4 ha. Các tổ hợp tác, hợp tác xã đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xử lý thắp đèn thanh long ra hoa trái vụ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của thị trường theo mùa khác nhau trong năm, góp phần nâng cao thu nhập của người dân. Nhìn chung, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm, đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để tăng hiệu quả kinh tế: cơ cấu kinh tế của huyện chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2023, huyện giảm được 42/24 hộ nghèo, đạt 175% kế hoạch, tổng số hộ nghèo toàn huyện hiện nay còn 118 hộ chiếm tỷ lệ 0,3%, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của toàn huyện đạt 65 triệu đồng/người.

Ảnh: Mô hình Thanh long, Tôm là đặc trưng của kinh tế Châu Thành

Nhờ công tác tuyên truyền được tổ chức thường xuyên, sâu rộng đã làm thay đổi căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, tự nguyện đóng góp tiền của, công sức, đất đai để cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực tế đã chứng minh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao là một chương trình phù hợp với thực tiễn. Để góp phần thực hiện thành công chương trình cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong đó khoa học công nghệ cũng đóng góp một phần quan trọng làm nên thành công của chương trình, từng bước làm thay đổi diện mạo cũng như phương thức tổ chức sản xuất của người dân theo hướng hiệu quả, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong tương lai, huyện Châu Thành vừa là vùng chuyên canh thanh long công nghệ cao vừa được bổ sung thêm động lực mới với 03 khu công nghiệp nhờ vị trí nằm trong Hành lang phát triển phía Nam và với 02 trục động lực của tỉnh, là trục quốc lộ 50B và quốc lộ 62, (03 khu công nghiệp, đó là: KCN Phú Ngãi Trị 240ha, KCN Phước Tân Hưng 392ha và KCN Thuận Mỹ 1.470ha); 01 Trung tâm kho vận và dịch vụ Logistic 150ha tại xã Hiệp Thạnh (theo Quyết định 686/2023/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Tính đến thời điểm này, huyện có 12/12 xã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 11/12 xã đã được công nhận xã nông thôn mới nâng cao. Huyện Châu Thành đã hoàn thành hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thông qua, đặc biệt xã An Lục Long là xã đầu tiên của huyện hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu./.

Minh Trực

Các tin khác