Thông tin tuyên truyền

Châu Thành cần trồng mới lại 2.480ha cây thanh long

09/09/2022 05:09:18PM
Màu chữ Cỡ chữ

Thanh long là loại trái cây giàu vitamin C, B1, B2, B3 và các chất khoáng như sắt, canxi và phốt pho,…sản phẩm trái thanh long có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe: thanh long có hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào giúp cơ thể chống quá trình lão hóa, thanh long chứa nhiều carotene giúp ngăn ngừa bệnh ung thư, thanh long giàu chất béo bão hòa đơn giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, thanh long giàu chất sắt giúp bổ máu, hàm lượng chất xơ cao trong thanh long giúp ngừa bệnh tiểu đường và hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hóa, …Do đó, thanh long đỏ từng được thương lái Trung Quốc thu mua với giá 50.000-60.000 đồng/kg, năng suất bình quân 32 tấn/ha/năm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng, giúp người dân trở nên khá giả. Sau nhiều năm chuyên canh cây thanh long, thanh long Châu Thành – Long An đã dần định hình được thương hiệu. Nhiều người biết đến thanh long Châu Thành có trái ngon, ngọt, rất được ưa chuộng. Hình ảnh những vườn thanh long xông đèn rực rỡ đã gắn liền với Châu Thành, với sự no ấm của người dân nhiều năm nay.

Tuy nhiên, hơn 2 năm qua người sản xuất thanh long gặp khó khăn đến mức phải bỏ mặc vườn trồng do tắc nghẽn thị trường xuất khẩu qua Trung Quốc vì dịch bệnh Covid-19. Hàng nghìn ha tích thanh long tại Tiền Giang, Long An và Bình Thuận đã bị phá bỏ, một số ít diện tích chuyển sang cây trồng khác và phần nhiều để đất trống không do không biết nên trồng cây gì. Người dân trên địa bàn huyện có xu hướng chuyển đổi cây trồng, hoặc không tiếp tục chăm sóc vườn thanh long dẫn đến hư hại.

Tại Châu Thành - Long An, hiện tại chỉ còn 5.883ha/9.093ha; 1,889ha hư hại nặng đã phá bỏ (trồng mới lại 241ha, bỏ đất trống 1.160ha, trồng cây khác 487ha); 1.320ha bệnh nặng phải phá bỏ chưa có điều kiện phá. Như vậy Châu Thành phải trồng mới lại hơn 2.480ha/9.093ha hư hại nặng đến mức phải phá bỏ trồng mới lại. Nhiều loại cây trồng khác vẫn có thể trồng được tốt ở Châu Thành, nhưng giá trị kinh tế và hiệu quả vùng chuyên canh cây thanh long thì chỉ có cây thanh long mới cho hiệu quả cao hơn hết. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cây trồng khác cần nghiên cứu thị trường để xác định loại cây trồng, cần đầu tư lại hạ tầng sản xuất, cần thời gian sinh trưởng, cần kết nối logistic,... chưa kể đến khó khăn khi chuyển cây trồng không đồng thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mùa vụ, thời tiết, thủy lợi, dịch bệnh, … ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng cây trồng.

Trước tình hình đó, Huyện đã đề xuất tỉnh bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách để nông dân được vay vốn lãi suất thấp để chăm sóc lại vườn thanh long hoặc trồng mới vườn thanh long già cỗi theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc lồng ghép hỗ trợ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện Kế hoạch xây dựng 3.000ha thanh long VietGAP, 300ha thanh long GlobalGAP, ngành nông nghiệp huyện luôn sẵn sàng hỗ trợ nông dân về mặt kỹ thuật sản xuất, giống chất lượng cao, sạch bệnh, hữu cơ, đạt chuẩn GAP. Huyện cũng đang nỗ lực phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở Công Thương để đẩy mạnh việc tìm kiếm đầu ra ổn định và hiệu quả cho cây thanh long.

Ảnh: Vườn thanh long già cỗi phá bỏ và trồng lại mới tại xã Thanh Phú Long.

Ảnh: Vườn thanh long già cỗi phá bỏ và trồng lại mới tại xã Thuận Mỹ.

Mặt khác, Việt Nam có diện tích trồng thanh long và sản lượng liên tục tăng lên rất nhanh (từ 13.400 ha năm 2000 lên 54.000 ha vào năm 2019 và sản lượng từ 282.000 tấn tăng lên 1.016.773 tấn). Đến năm 2020, sản lượng dự kiến đạt 1.100.000 tấn, với 650.000-900.000 tấn dành cho xuất khẩu trái tươi, 200.000-250.000 tấn cho tiêu thụ nội địa và 60.000 tấn cho chế biến. Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, thanh long tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của trái cây Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,04 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 29,4% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước.

Bảng 1. Tình hình xuất khẩu thanh long Việt Nam các năm từ 2017 - 2021

Năm

2017

2018

2019

2020

2021

Kim ngạch xuất khẩu (tỷ USD)

1,15

1,27

1,25

1,21

1,04

Sản lượng (triệu tấn)

0,9528

1,0561

1,2425

1,3638

1,4305

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Bảng 2. Thị trường xuất khẩu thanh long Việt Nam các năm 2021

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc. Theo báo cáo của Cục Hải quan, năm 2021, thanh long Việt Nam được xuất khẩu sang 3 thị trường chính là Trung Quốc với kim ngạch 925,7 triệu USD (88,7%), Mỹ với kim ngạch 30,2 triệu USD (2,9%), Ấn Độ với kim ngạch 13,6 triệu USD (1,3%) và tiếp đến là các nước như Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh châu Âu và Chile,…

Theo dự báo của OECD-FAO, giai đoạn 2019 - 2028, tiêu dùng các sản phẩm nông sản của thế giới tăng bình quân 1,5 - 3%/năm. Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường trái thanh long toàn cầu dự kiến sẽ tăng lũy tiến 3,7% trong giai đoạn 2020 - 2025 và Việt Nam tiếp tục là nhà sản xuất thanh long hàng đầu.

Do đó, toàn bộ hệ thống chính trị huyện Châu Thành phối hợp với Sở NN&PTNT, Viện Cây Ăn quả Miền Nam, Khoa nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ,…đã kiên trì thực hiện quyết liệt các giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tu bổ vườn thanh long, thuyết phục người trồng thanh long giữ vườn. Thực hiện lồng ghép hỗ trợ trồng mới lại vườn thanh long với Kế hoạch xây dựng 3.000ha thanh long VietGAP, 300ha thanh long GlobalGAP; trong đó chú trọng hỗ trợ về kỹ thuật khử trùng, tiêu hủy mầm bệnh tại các vườn thanh long đang bị bệnh nặng, về chọn giống thanh long chất lượng cao, sạch bệnh, kháng bệnh, về qui trình canh tác hữu cơ, đạt chuẩn GAP, về qui hoạch nâng cấp lại vườn thanh long theo hướng chất lượng cao, cơ giới hóa, thông minh, hiện đại, kết hợp khai thác du lịch sinh thái,… đã được người dân dần hiểu được và đồng lòng vượt qua khó khăn.

Ước tính chi phí trồng mới lại 01ha thanh long đến khi thu hoạch trái (02 năm) từ 340 triệu đồng (có trụ sẳn) – 434 triệu đồng; riêng chi phí trồng mới 01ha thanh long từ 115 triệu đồng (có trụ sẳn) - 210 triệu đồng; như vậy riêng để trồng mới lại 2.480ha thanh long cần nguồn vốn từ 287-521 tỷ đồng. Đồng thời người trồng phải tiếp tục đầu tư hơn 558 tỷ/2.480ha để chăm sóc trong thời gian 02 năm đến khi cho trái thanh long thu hoạch.

Thị trường dễ dãi, giá thu mua cao, đầu tư vốn thấp, năng suất cao trên cây thanh long giờ đây không còn nữa. Thay vào đó, thị trường tiêu thụ thanh long ngày càng khó tính, kể cả Trung Quốc cũng đang tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác và kiểm soát chặt về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để cây thanh long phát triển bền vững, người trồng thanh long phải vào tổ hợp tác, hợp tác xã, phải rèn luyện và thực hiện tư duy tập thể, phải từ bỏ thói quen mạnh ai nấy làm, người trồng thanh long phải chuyên nghiệp hơn, trái thanh long phải chú trọng nâng cao chất lượng hơn,… có như vậy mới đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Có thể khẳng định rằng: Cho đến thời điểm hiện tại cây thanh long vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho nông dân huyện Châu Thành, cùng với lợi thế đã thiết lập được vùng chuyên canh, Châu Thành đang có nền tảng vững chắc để xây dựng vùng thanh long chuyên canh công nghệ cao, mang lại lợi ích kinh tế to lớn và bền vững cho người trồng./.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Các tin khác