Thông tin tuyên truyền

Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện Châu Thành

12/10/2024 10:39:24PM
Màu chữ Cỡ chữ

Các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện Châu Thành

Hiện nay trên địa bàn huyện Châu Thành có 12 Di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 03 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 09 di tích lịch sử cấp tỉnh.

* 03 Di tích lịch sử văn hóa CẤP QUỐC GIA

1. Di tích lịch sử - văn hóa Đình Tân Xuân - Lễ hội Làm Chay

Di tích Đình Tân Xuân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 4109/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/2014. Lễ Hội Làm Chay cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 4205/QĐ-BVHTT, ngày 19/12/2014.

2. Di tích kiến trúc nghệ thuật Cụm nhà cổ Thanh Phú Long

Với những giá trị đặc sắc về kiến trúc truyền thống và nghệ thuật chạm khắc gỗ độc đáo, Cụm nhà cổ Thanh Phú Long đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 43/2007/QĐ-BVHTT ngày 03/8/2007.

3. Khu lưu niệm Nguyễn Thông

Khu lưu niệm Nguyễn Thông đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích quốc gia theo Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19/01/2001.

 09 Di tích lịch sử văn hóa CẤP TỈNH

1. Di tích lịch sử Mộ Đỗ Tường Phong

UBND tỉnh Long An đã ban hành quyết định số 2477/QĐ-UB, ngày 23/7/2014 xếp hạng mộ ông Đỗ Tường Phong là di tích cấp tỉnh.

2. Di tích lịch sử Đình Vĩnh Bình (Đình Cháy)

Đình Vĩnh Bình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 2271/QĐ-UB, ngày 7/6/2005.

3. Di tích lịch sử Khu vực Miễu Bà Cố

Di tích lịch sử “Khu vực Miễu Bà Cố” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1649/QĐ-UB, ngày 17/8/1994.

4. Di tích lịch sử Đình Hòa Điều

Đình Hòa Điều đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 152/QĐ-UBND, ngày 15/01/2010.

5. Di tích lịch sử Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 3/5/1968 (xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)

Khu tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 thuộc Trung đoàn 2, Quân khu 8 hy sinh trong trận Cầu Ván ngày 03/5/1968 được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 3471/QĐ-UBND ngày 26/4/2021.

6. Di tích lịch sử Cù Tròn (Ấp Tân Long - Xã Thanh Phú Long, ngày 20/11/1964)

Cù Tròn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 4150/QĐ-UB, ngày 28/6/1995.

7. Di tích lịch sử Căn cứ Phân khu ủy và Bộ Tư lệnh Phân khu III trong kháng chiến chống Mỹ (1967-1969)

Căn cứ Phân khu ủy và Bộ tư lệnh Phân khu III đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 934/QĐ-UB, ngày 10/3/2003.

8. Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu

Di tích Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh xếp hạng là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 2680/QĐ-UBND, ngày 23 tháng 8 năm 2012.

9. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 5293/QĐ-UBND ngày 30/5/2024.

Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã xếp hạng

Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, Luật Di sản văn hóa, các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, các quy định, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Công văn số 643-CV/BCSĐ ngày 18/7/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đã xếp hạng. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, quản lý nhà nước của các cấp chính quyền, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện.

Đồng thời, chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là học sinh, sinh viên về lòng yêu nước, truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương, về giá trị di sản văn hóa và ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo vệ, phát huy giá trị các di tích của địa phương. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện trong công tác tuyên truyền, quảng bá các di tích lịch sử - văn hóa; tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về di sản văn hóa.

Ban Thường vụ Huyện ủy đề nghị các cấp chính quyền, địa phương cần quản lý tốt các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn huyện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về di sản văn hóa, đặc biệt là các hành vi xâm chiếm và phá hủy các yếu tố gốc cấu thành di tích. Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện việc quản lý các di tích đã xếp hạng phù hợp với tình hình thực tế địa phương, vừa tạo điều kiện để ủy ban nhân dân các xã, thị trấn phát huy tinh thần trách nhiệm và tính chủ động trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả các di tích được xếp hạng; tiếp tục kiểm kê, rà soát lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, công trình, địa điểm, sự kiện đề nghị bảo tồn.

Mặt khác, cần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hóa để bảo tồn, phát huy giá trị di tích nói riêng và hệ thống di sản văn hóa nói chung. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, đầu tư công, phù hợp với mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và quy hoạch phát triển các ngành trong phạm vi quy hoạch đã được phê duyệt; bảo đảm đồng bộ về kết cấu hạ tầng, hài hòa về cảnh quan và kiến trúc khu vực; chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại các di tích. Phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện trong phát triển văn hóa, du lịch.

Đối với các di tích là khu lưu niệm, nhà lưu niệm, các công trình tiêu biểu đã được xếp hạng, cần giữ gìn nguyên trạng, không tự ý thay đổi, xây mới, bổ sung công năng hoặc bố trí thành trụ sở làm việc; việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cần dựa trên tư liệu lịch sử, khoa học và tuân thủ chặt chẽ quy định hiện hành. Đối với các khu lưu niệm, nhà lưu niệm gắn với thân thế, sự nghiệp của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu (theo Kết luận số 88-KL/TW, ngày 18/02/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về “Tổ chức kỷ niệm 100 năm, trên 100 năm ngày sinh; xây dựng khu lưu niệm, nhà lưu niệm; xây dựng, công bố phim tài liệu về thân thế, sự nghiệp các đồng chí lãnh đạo chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu”), khi tiến hành xây dựng, tu bổ, phục hồi, thực hiện theo Hướng dẫn số 07-HD/BTGTW, ngày 24/5/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc “Xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm, nhà lưu niệm các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối”, Công văn số 535-CV/TU, ngày 02/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc “Xây dựng, trùng tu, tôn tạo khu lưu niệm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tiền bối tiêu biểu trên địa bàn tỉnh” và các quy định hiện hành./.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Các tin khác