“Sáng mãi con đường cách mạng của thanh niên” – tiếp bước truyền thống anh hùng Lý Tự Trọng
Thực hiện Án nghị quyết tháng 10/1930, các cơ sở Đoàn đã được xây dựng trên khắp cả nước từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên, hệ thống của Đoàn chưa được thống nhất và Đoàn chưa có sinh hoạt riêng. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn từ ngày 20 đến 26/3/1931, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên. Trên cơ sở nghiên cứu bức thư của Ban Chấp hành Quốc tế Thanh niên Cộng sản gửi cho Đảng ta, Hội nghị đã nghiêm túc kiểm điểm đánh giá việc thực hiện nghị quyết lần thứ nhất (tháng 10/1930).
Đến tháng 3/1931, sau một quá trình chuẩn bị, được sự lãnh đạo và tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên; sự lãnh đạo, trực tiếp bồi dưỡng, đào tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tổ chức cơ sở Đoàn ở nước ta “từ bắt đầu hiếm hoi” với một nhóm nhỏ 8 thiếu niên do Bác Hồ trực tiếp dìu dắt, rèn luyện sau 05 năm đã phát triển và trưởng thành vượt bậc. Ngay sau khi Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương được thành lập vào ngày 26/3/1931, đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”.
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước cùng với truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần cách mạng quê hương Hà Tĩnh đã góp phần bồi đắp cho người thanh niên lòng yêu quê hương, đất nước; thấu hiểu được nỗi thống khổ, bất công của các tầng lớp nhân dân lao động dưới ách áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến, căm ghét bọn cướp nước và bè lũ tay sai, từ đó đã hun đúc ý chí và tinh thần học hỏi, vươn lên tìm con đường cứu nước của đồng chí Lý Tự Trọng. Những ngày bị bắt, thực dân Pháp đã tra tấn vô cùng dã man để Lý Tự Trọng khai báo những manh mối, thông tin bí mật của Đảng, của cách mạng. Nhưng những đòn roi, thủ đoạn tàn bạo của bọn thực dân đã không thể quật ngã tinh thần người chiến sĩ cách mạng kiên cường. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, anh đã chủ động biến phiên tòa của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Khi Luật sư bào chữa xin bọn thực dân “mở lượng khoan hồng” vì Lý Tự Trọng chưa đến tuổi trưởng thành, “hành động thiếu suy nghĩ”, anh đã gạt phắt và dõng dạc nói:“Tôi hành động có suy nghĩ, tôi hiểu việc tôi làm, tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi trưởng thành thật, nhưng tôi đã đủ trí khôn để hiểu con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”.
Tuổi trẻ xã Vĩnh Công - huyện Châu Thành tổ chức sinh hoạt truyền thống với chủ đề "Sáng mãi con đường cách mạng của Thanh niên" hướng đến Kỷ niệm 110 năm ngày sinh anh hùng Lý Tự Trọng – người đoàn viên thanh niên cộng sản đầu tiên
Đoàn viên thanh niên huyện Châu Thành tổ chức thăm viếng và thắp nhang tri ân các anh hùng liệt sĩ, các thế hệ đoàn viên đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc tại Di tích lịch sử Đình Vĩnh Bình (xã Vĩnh Công)
Thăm hỏi và tặng quà gia đình chính sách (ấp 5, xã Vĩnh Công) – Cô 5 Đẹt - Nguyên Chủ tịch UBND xã, cũng từng là một cán bộ trưởng thành từ tổ chức Đoàn thanh niên và gắn bó với công tác Đoàn nhiều năm
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Lý Tự Trọng, ôn lại công lao to lớn, ý chí kiên cường, tinh thần bất khuất và tấm gương hy sinh quên mình vì nước, vì dân của người anh hùng trẻ tuổi và các thế hệ tiền bối đã cống hiến trọn đời cho cách mạng, thế hệ trẻ huyện Châu Thành nguyện noi gương anh quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp. Hơn bao giờ hết câu nói: “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” lại càng thôi thúc chúng ta cố gắng học tập, đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế, đấu tranh không khoan nhượng với những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng; nêu cao cảnh giác, đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng. Các thế hệ đoàn viên thanh niên huyện Châu Thành nguyện noi gương truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Đoàn mà các thế hệ đi trước đã để lại, viết tiếp những trang sử vàng chói lọi của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, của dân tộc Việt Nam anh hùng trên những chặng đường mới./.
Các tin khác
- Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã xếp hạng trên địa bàn huyện Châu Thành (12/10/2024)
- Tuyên truyền Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) (10/10/2024)
- Huyện Châu Thành nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 /2024 (10/10/2024)
- Định hướng công tác tuyên truyền miệng tháng 10/2024 (08/10/2024)
- Tuyên truyền, phổ biến, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 35/CT-TTg ngày 17/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ (08/10/2024)
- Công tác dân vận của Đảng với những mô hình “Dân vận khéo” xuất phát từ yêu cầu thực tiễn (07/10/2024)
- Châu Thành quan tâm xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ (30/09/2024)
- Tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã(02/12/1964 - 02/12/2024) (15/09/2024)
- Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2024) - Văn kiện lịch sử vô giá! (01/09/2024)
- Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/2024 (01/09/2024)