Thông tin tuyên truyền

Ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của Bản Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/2024

01/09/2024 12:33:10AM
Màu chữ Cỡ chữ

Nhà thơ Tố Hữu đã viết về giây phút xúc động thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập:

                   “Người đứng trên đài lặng phút giây

    Trông đàn con đó vẫy hai tay

         Cao cao vầng trán ngời đôi mắt

         Độc lập bây giờ mới thấy đây.”

Tuyên ngôn Độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh (như có lần Người từng tâm sự). Phía sau những lập luận chặt chẽ, sắc sảo, đanh thép, khẳng định chủ quyền dân tộc là dòng cảm xúc, tình cảm của người viết Tuyên ngôn. Bởi lẽ những lời tuyên bố trang trọng trên quảng trường Ba Đình lịch sử đến toàn thể dân tộc Việt Nam và nhân dân trên thế giới là kết quả bao nhiêu máu đã đổ của các chiến sĩ trên chiến trường, trong trại tập trung, trên máy chém, bao nhiêu tính mạng đồng bào đã hy sinh. Mỗi dòng chữ là chan chứa niềm tự hào khi sánh cách mạng dân tộc với những cuộc cách mạng lớn trên thế giới. Mỗi dòng chữ là một niềm hạnh phúc vô biên khi đất nước đã được tự do, độc lập. Mỗi dòng chữ cũng là những đau đớn, nhức nhối khi nhìn lại bao rên xiết lầm than của nhân dân trong suốt hơn 80 năm qua dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Tuyên ngôn Độc lập kết tinh quyết tâm, ý chí của toàn dân tộc như một lời thề sắt đá: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tuyên ngôn độc lập có 1.120 chữ, được sắp xếp trong 49 câu, không chỉ là một văn kiện lịch sử vô giá mà còn là một áng văn chính luận mẫu mực của mọi thời đại, chứa đựng những nội dung cốt lõi và cơ sở pháp lý vững chắc để không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một kỷ nguyên mới của dân tộc ta, nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển.

* Ý nghĩa lịch sử của Tuyên ngôn độc lậpHoàn đời của bản tuyên ngôn

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Phát xít Nhật, kẻ đang chiếm đóng nước ta lúc bấy giờ, đã đầu hàng Đồng minh. Trên toàn quốc, nhân dân ta vùng dậy giành chính quyền. Ngày 26 - 8 - 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu cách mạng Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, Người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2 - 9 - 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng vạn đồng bào, Người thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn: là lời tuyên bố xoá bỏ chế độ thực dân, phong kiến, là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới, là mốc son lịch sử mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do trên đất nước ta. Văn kiện lịch sử này không chỉ được đọc trước quốc dân đồng bào mà còn để công bố với thế giới, đặc biệt là với những lực lượng thù địch và cơ hội quốc tế đang mang dã tâm một lần nữa nô dịch đất nước ta. Cũng vào thời gian đó, nhà cầm quyền Pháp tuyên bố: Đông Dương là thuộc địa của Pháp, bị quân Nhật xâm chiếm, nay Nhật đã đầu hàng, vậy Đông Dương đương nhiên phải thuộc quyền “bảo hộ” của người Pháp. Vì vậy, mục đích của Bác viết Tuyên ngôn độc lập không những để tuyên bố mà còn “đánh địch”, bẽ gãy những luận điệu xảo trá của kẻ thù. bảnuy

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; chấm dứt ách thống trị của thế lực xâm lược từ phương Tây (thực dân Pháp) trong 87 năm (1858-1945); sự chiếm đóng của phát xít Nhật (từ Đông Bắc Á) trong 5 năm (1940-1945). Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ ở Việt Nam.

Giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện ở chỗ: đây là văn kiện báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Bản Tuyên ngôn độc lập với hệ thống lập luận ngắn gọn, chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn đã chứa đựng những nội dung bất hủ, một cơ sở pháp lý vững chắc không chỉ có giá trị lịch sử, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc, mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

* Giá trị thời đại của bản Tuyên ngôn độc lập

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện khẳng định tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn có đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc của các dân tộc trên thế giới; là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.

["Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.]

Giáo sư Singô Sibata người Nhật Bản khi nghiên cứu về Tuyên ngôn Độc lập đã cho rằng: “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Người đã đưa quyền con người thống nhất biện chứng với quyền dân tộc, vì “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”

Tuyên ngôn Độc lập kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do; khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới. Đồng thời khích lệ nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc. Vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ gắn liền với Hồ Chí Minh mà còn mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập cũng khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối toàn dân đoàn kết trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với một đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ và phát huy sức mạnh dân tộc và thời đại, dân tộc ta đã thủ tiêu toàn bộ chế độ thực dân, phong kiến, “lấy lại tên trên bản đồ thế giới”. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp tác động trực tiếp đến đất nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức. Để tận dụng, phát huy tốt nhất thời cơ, vượt qua khó khăn thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết một lòng với quyết tâm cao, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; nâng cao đời sống của nhân dân; quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng” trong Tuyên ngôn Độc lập; về điều mong muốn cuối cùng "toàn Đảng, toàn dân đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới", coi lợi ích quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất, có nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực, Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước. Đồng thời luôn chủ động, sáng suốt, tỉnh táo để có đối sách phù hợp trước bất kỳ một thế lực ngoại xâm nào; nhất là khi chủ quyền quốc gia bị đe dọa, bị xâm phạm thì cần phải tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế gắn với kiên trì, kiên định, quyết liệt nhưng không cứng nhắc và máy móc; mềm mỏng nhưng không nhân nhượng và nhu nhược trong quyết sách và hành động.

79 năm trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh như bản Anh hùng ca bất hủ, sống mãi trong trái tim của những người con đất Việt. Những tư tưởng, quan điểm của Người trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền dân tộc và quyền con người, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên quyết để giữ vững nền độc lập tự do vẫn có ý nghĩa thời sự sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt là sau 38 năm đất nước đổi mới, mỗi người dân Việt Nam càng thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do; ý nghĩa lớn lao và sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc. Đó cũng là mục tiêu, lý tưởng mà mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều hướng đến.

Theo chân Bác toàn dân ta đứng dậy.

 Dẫu hy sinh hãy giữ lấy hòa bình.

Cho muôn đời con cháu hưởng bình minh.

Cho non sông thấm đượm tình nhân ái.

Để Bắc Nam nối liền về một dải.

Đất nước mình .....

Mãi mãi....

Trọn niềm vui !

(Bài thơ Tổ quốc – Tác giả Phạm Hồng Giang)

Chính vì thế, Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn là lời nhắn gửi đến các thế hệ con cháu mai sau tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, vì một đất nước Việt Nam thái bình và yên vui./.

(Bài viết tham gia Hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh Long An tổ chức năm 2023)

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Các tin khác