Các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy

Hành trình Về nguồn viếng thăm Đền Hùng - Đình Bình Thủy - Giàn Gừa Cần Thơ của lớp đảng viên mới

06/08/2024 06:37:46PM
Màu chữ Cỡ chữ

Sau khi kết thúc các buổi báo cáo chuyên đề trên lớp dành cho lớp đảng viên mới, Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành tổ chức hành trình về nguồn viếng thăm Đền Hùng - Đình Bình Thủy - Giàn Gừa Cần Thơ cho học viên lớp đảng viên mới đợt 2 năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện làm trưởng đoàn. Tham gia hành trình Về nguồn còn có các đồng chí cán bộ, giảng viên Trung tâm Chính trị huyện, các phòng ban huyện và 50 học viên lớp đảng viên mới.

Điểm đến đầu tiên của đoàn là Ðền thờ vua Hùng tọa lạc tại đường Võ Văn Kiệt - Đặng Văn Dầy, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ; có tổng diện tích khoảng 3,9 ha. Đây là công trình văn hóa, tâm linh độc đáo, giàu bản sắc dân tộc, có ý nghĩa lịch sử quan trọng của đồng bằng sông Cửu Long và quốc gia. Đền thờ vua Hùng gồm các hạng mục: Đền thờ chính, nghi môn, nhà điều hành, nhà dịch vụ, nhà bia, sân đường, cây xanh, hồ điều hòa… Trong đó, cổng chính lấy ý tưởng thiết kế từ hoa văn nhà sàn mái hình thuyền trên trống đồng Đông Sơn, được ốp đá xanh Thanh Hóa, có 1 cổng chính và 2 cửa phụ, phía trên nổi bật dòng chữ “ĐỀN THỜ VUA HÙNG”.

Cổng chính của đền thờ Vua Hùng gây ấn tượng với hai con chim hạc hai bên như đang chào đón du khách

Đây là công trình có giá trị cao về mặt văn hóa, lịch sử, có ý nghĩa quan trọng đối với thành phố Cần Thơ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung; đồng thời là nơi tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước. Qua đó, giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau tiếp tục giữ gìn, tự hào tiếp bước ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Đoàn cán bộ, học viên đến viếng thăm và thắp nhang tại Ðền thờ vua Hùng

Điểm đến tiếp theo của đoàn là Di tích lịch sử văn hóa Đình Bình Thủy thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, là một công trình kiến trúc có phong cách nghệ thuật bắt mắt nhất, uy nghi nhất và lộng lẫy nhất. Đình Bình Thủy hay Long Tuyền Cổ Miếu là niềm tự hào về truyền thống văn hóa tín ngưỡng của vùng đất, con người Cần Thơ. Đây là một công trình có giá trị về kiến trúc nghệ thuật cổ truyền của người Việt giai đoạn khai hoang miền Tây Nam bộ vào thế kỷ 19. Đình Bình Thủy là một trong số ít các ngôi đình được chứng nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1989. Không chỉ là nơi thờ cúng, tổ chức lễ hội, đây còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đại diện cho một nét văn hóa của vùng sông nước Nam Bộ, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tâm linh của nhân dân Bình Thủy.

Vẻ đẹp uy nghi, cổ kính của ngôi đình Bình Thủy

Ngoài việc thờ các vị thần linh,thần hoàng làng, các vị  tiền hiền có công mở đất,… Đình Bình Thủy còn lập bàn thờ những vị anh hùng có công với đất nước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trung Trực, Võ Huy Tập, Đinh Công Trứ, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh,…Đặc biệt sau ngày giải phóng đất nước 30 tháng 4 năm 1975, đình Bình Thủy lập bàn thờ để thờ và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thường niên, Đình Bình Thủy diễn ra hai lễ lớn là Lễ hội Kỳ yên Thượng Điền kéo dài trong 03 ngày từ 12 đến 14 tháng Tư âm lịch, có rước thuyền, hát bội… và lễ Hạ điền vào 02 ngày 14 và 15 tháng Chạp, chuẩn bị đón năm mới. Đây là một lễ hội văn hóa thu hút người dân khắp nơi tham gia, mang đậm tính chất nền văn minh lúa nước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đạo an khang.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đình Bình Thủy

Rời Khu di tích lịch sử Đình Bình Thủy, đoàn đến với Khu di tích Giàn Gừa thuộc ấp Nhơn Khánh, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Khu di tích Giàn Gừa đã được UBND Thành phố Cần Thơ xếp hạng là Di tích lịch sử cấp thành phố vào ngày 07/4/2013. Nơi đây từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Khu di tích Giàn Gừa có ý nghĩa rất lớn trong lịch sử kháng chiến của Cần Thơ nói riêng và Nam Bộ nói chung

Đến di tích Giàn Gừa, đoàn cán bộ, học viên cảm thấy ngạc nhiên, thú vị và choáng ngợp trước một giàn gừa nguyên sinh vững chắc, với nhiều cây, nhiều nhánh đan xen, quyện chặt vào nhau như một tấm lưới khổng lồ. Dưới những tán cây rộng, ai nấy đều cảm thấy thoải mái, yên bình bởi không khí nơi đây rất mát mẻ, trong lành.

Giàn gừa là một thắng cảnh đẹp gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Phong Điền, là cái nôi cách mạng với truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân dân Cần Thơ. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân để cầu mong mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt…

Đoàn chụp hình lưu niệm tại Khu di tích Giàn Gừa

Trước khi rời khỏi xứ “gạo trắng nước trong” để kết thúc chuyến hành trình Về nguồn, đoàn cán bộ, học viên Trung tâm Chính trị huyện đã đến viếng Tượng đài Bác Hồ trên bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Tượng đài được khánh thành vào năm 2009, nhân dịp chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là công trình được xây dựng, nâng cấp trên cơ sở tượng đài trước đó, tượng cao 7,2m, chân đế cao 3,6m, trọng lượng gần 13 tấn được đúc bằng đồng. Bức tượng Bác Hồ vẫy tay chào ấm áp, hiền từ giữa bao la sông nước đồng bằng đã khắc sâu vào tâm khảm của đoàn đến thăm viếng. Hiện nay, nhiều hoạt động quan trọng của thành phố cũng được tổ chức tại khu vực tượng đài, thể hiện lòng thành kính, nhớ ơn Người đã dành cả cuộc đời để mang lại độc lập, tự do cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. /.

Đoàn đến viếng và chụp hình lưu niệm tại Tượng đài Bác Hồ đặt trên bến Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành

Các tin khác