Các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy

Hành trình Về nguồn viếng thăm Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Đền Bến Dược của lớp nhận thức về Đảng

19/08/2024 04:40:42PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 18/8/2024, Trung tâm Chính trị huyện Châu Thành tổ chức hành trình về nguồn viếng thăm Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam – Đền liệt sĩ Bến Dược – Địa đạo Củ Chi cho học viên lớp nhận thức về Đảng đợt 2 năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ - Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện làm trưởng đoàn. Tham gia hành trình Về nguồn còn có đồng chí Văn Ngọc Hạo – nguyên Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; cùng các đồng chí cán bộ, giảng viên Trung tâm Chính trị huyện và 60 học viên lớp nhận thức về Đảng.

Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào ngày 23/01/1961, đồng chí Nguyễn Văn Linh – Ủy viên Trung ương Đảng, được phân công làm Bí thư Trung ương Cục, đồng chí Võ Chí Công và đồng chí Phan Văn Đáng làm Phó Bí thư và các đồng chí: Trần Nam Trung, Nguyễn Văn Xô, Võ Văn Kiệt, Phạm Thái Bường là ủy viên. Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não của cách mạng, là cơ quan cao nhất lãnh đạo trực tiếp Cách mạng miền Nam từ năm 1962. Nơi đây còn là nơi đề ra nhiều chiến lược, sách lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam

Ngày 10 tháng 5 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 548/QĐ-TTG. Trước đó, vào năm 1990, khu căn cứ đã được công nhận là Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. 

Khu di tích của căn cứ Trung ương Cục miền Nam là một tòa nhà trưng bày rất nhiều hình ảnh và các hiện vật mà các nhà cách mạng và chiến sĩ đã sử dụng trong những năm kháng chiến khốc liệt. Theo chân hướng dẫn viên, đoàn đã được nghe và được tận mắt nhìn thấy những vật dụng, hiện vật và quá trình hoạt động cách mạng của một thời đại lịch sử hào hùng. Đến nơi đây, đoàn cán bộ giáo viên, học viên cảm nhận sâu sắc hơn về những năm tháng chiến tranh ác liệt của các thế hệ ông cha ngày trước. Họ đã sống và chiến đấu với lòng quả cảm đáng khâm phục và trở thành tấm gương sáng ngời để thế hệ sau tiếp bước, noi theo.

Theo con đường mòn đi vào khu rừng xưa kia từng là nơi ở, nơi làm việc của các bậc tiền nhân, những nhà hoạt động cách mạng, tất cả những căn nhà, phòng họp, hội trường đều lợp bằng lá trung quân như Hội trường lớn, Nhà đồng chí Nguyễn Văn Linh,… như nhắc nhớ chúng ta hãy sống sao cho thật trọn vẹn, giữ lòng “trung quân ái quốc”, xứng đáng với các thế hệ đi trước đã không quản ngại khó khăn, gian khổ vì nền độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Nơi đây là chứng tích về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức khó khăn gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thần thánh của dân tộc trên chiến trường miền Nam, càng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân miền Nam trong lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc. Qua đó nhắc nhở mỗi cán bộ đảng viên, học viên tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phẩm chất lối sống, lý tưởng cách mạng và luôn phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đoàn tham quan khu rừng xưa kia từng là nơi ở, nơi làm việc của các nhà hoạt động cách mạng và cán bộ, chiến sĩ trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Rời Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Đoàn về nguồn di chuyển đến Đền tưởng niệm Bến Dược - Củ Chi hay còn gọi ngắn gọn là Đền Bến Dược (tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh), được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.

Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược – Ngôi đền được xây dựng để tưởng nhớ công  ơn to lớn của đồng bào, chiến sĩ đã chiến đấu hi sinh trên vùng đất Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và Mỹ.

Đền Bến Dược nằm trong quần thể của Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Bến Dược - Củ Chi, cách trung tâm thành phố khỏang 70km, tọa lạc bên bờ sông Sài Gòn xuôi chảy hiền hòa. Ngôi đền này do Đảng bộ và nhân dân thành phố tạo dựng nhân kỉ niệm 20 năm ngày thành phố được giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất. Ngôi đền tọa lạc trên vùng đất rộng 7 héc-ta, khởi công xây dựng ngày 19/5/1993 và khánh thành giai đọan 1 ngày 19/12/1995.

Từ ngoài đi vào, ta sẽ gặp ngay Cổng Tam quan. Mái ngói và cột gắn hoa văn theo phong cách cổ điển Việt Nam được canh tân bằng đường nét, chất liệu mới. Trên thân cột khắc nổi hàng chữ đỏ do nhà thơ Bảo Định Giang trân trọng ghi:

“ Trải tấm lòng son vì đất nước

Đem dòng máu đỏ giữ quê hương”

“ Lòng biết công ơn nhang thơm một nén

Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm”

Đoàn chụp ảnh lưu niệm phía trước Cổng Tam quan của đền Bến Dược

Qua khỏi cổng tam quan, mọi người gặp ngay Nhà văn bia chắn ngay trên lối vào đền. Vẫn là lối kiến trúc đền chùa Việt Nam, mái nhà văn bia lợp ngói vàng tươi chia thành hai tầng, tấm bia đá ở giữa nhà văn bia cao 3m, ngang 1,7m, dày 0,25m, nặng 3,7 tấn tạc từ khối đá nặng 18 tấn lấy từ Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng mang về. Các nghệ nhân Việt Nam đã gia công đẽo gọt và chạm hoa văn với đường nét độc đáo của dân tộc.

Từ nhà văn bia, bước qua một khoảng sân rộng là đến Đền chính. Ngôi đền nguy nga đồ sộ với kiến trúc mang dáng dấp đền đài cổ Việt Nam, vừa tôn nghiêm vừa tĩnh mịch. Điện thờ bố trí theo hình chữ U ( vòng cung). Chính giữa là bàn thờ Tổ Quốc với di tượng bán thân của Bác Hồ nổi bật trên nền cờ đỏ sao vàng. Trên đỉnh cao có ghi ba câu “ Tổ Quốc ghi công – Vì nước quên mình – Đời đời ghi nhớ”. Tả hữu là hương án thờ các bậc tiền hiền tiên liệt và đồng bào chiến sĩ hy sinh chưa tìm được tên. Chạy theo các vách tường là tên của các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh… tất cả được khắc vào đá hoa cương có chữ mạ vàng. Trong ngày khánh thành, đã có 41.447 liệt sĩ được khắc tên, trong đó co 8.972 liệt sĩ là con em của 25 tỉnh thành khác trên mọi miền đất nước.

Đoàn dâng hoa, thắp hương bên trong Điện thờ của đền Bến Dược

Bên cạnh đền chính là Tháp chính đền Bến Dược (ngôi tháp 9 tầng) cao 39 mét thể hiện cho sự vươn lên. Từ tầng cao của tháp, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng căn cứ cách mạng mà tên gọi ở vùng đất này đã đi vào lịch sử – Vùng Tam giác sắt…

Đoàn chụp ảnh lưu niệm trước Tháp chính đền Bến Dược

Và bên dưới đây là công trình mang nhiều ý nghĩa nhất của Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, đó là tượng đài “Hồn thiêng đất nước” - tượng đài sừng sững phía sau đền Bến Dược. Lấy hình ảnh giọt nước mắt tiếc thương cho những anh hùng dân tộc đã ngã xuống, tượng đài “Hồn thiêng đất nước” đứng uy nghi giữa trời như lời nhắc nhở chúng ta không quên công ơn của những người đã hy sinh, giành lại hòa bình cho thế hệ sau./.

Tượng đài “Hồn thiêng đất nước”

Trung tâm Chính trị huyện

Các tin khác