Đỗ Tường Phong - "Thà chịu chết chứ không đầu hàng"
Tại TP.Tân An và huyện Châu Thành, tỉnh Long An đều có tuyến đường mang tên Đỗ Tường Phong. Ông được nhiều người dân Châu Thành biết đến và tôn kính. Cùng với em trai là Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Phong được thờ cúng tại đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành) và trở thành tấm gương sáng về lòng yêu nước.
Mộ ông Đỗ Tường Phong hiện thuộc địa bàn xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, là điểm đến giáo dục truyền thống của đoàn viên, thanh niên trong huyện
Đỗ Tường Phong sinh năm 1830, là con trưởng trong gia đình ông Đỗ Tường Kiên và bà Huỳnh Thị Đức, vốn là gia đình đại phú lúc đương thời. Ông Đỗ Tường Kiên và bà Huỳnh Thị Đức được xem là thủy tổ dòng họ Đỗ tại xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành.
Ông bà có 4 con trai là Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Thoại, Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Soạn. Trong đó, ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự trực tiếp tham gia phong trào chống Pháp và anh dũng hy sinh. Hai ông theo nghĩa quân Thủ Khoa Huân chống Pháp.
Ngôi nhà 36 cửa của ông Đỗ Tường Kiên từng là trung tâm liên lạc phong trào vũ trang kháng Pháp lúc bấy giờ. Năm 1875, Pháp bắt được Thủ Khoa Huân và đem xử chém tại làng Tịnh Hà, Chợ Gạo.
Tiếp nối ngọn cờ Thủ Khoa Huân, ông Đỗ Tường Phong cùng em là Đỗ Tường Tự tập hợp nghĩa binh, chuẩn bị khởi nghĩa. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Thiện, khi biết hoạt động của anh em họ Đỗ, chúng bắt giam, tra tấn ông Đỗ Tường Kiên (cha của 2 ông), đốt nhà 36 cửa và cắt gân người em của 2 ông là ông Đỗ Tường Soạn. Tuy nhiên, dòng họ Đỗ vẫn một lòng ủng hộ 2 ông đứng lên khởi nghĩa.
Năm 1878, sau khi chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết, ông Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự làm lễ xuất quân ở ruộng cây keo (nay thuộc ấp Vĩnh Xuân, xã Dương Xuân Hội) rồi tiến đánh đồn Bình Cách. Một thời gian sau, địch đàn áp, nghĩa quân thất bại, ông Đỗ Tượng Tự bị bắt, xử tử tại khu vực đình Tân Xuân.
Ông Đỗ Tường Phong tạm lánh về Tân Hương (tỉnh Tiền Giang) rồi bị Pháp bắt đem về Bình Lập (nay thuộc TP.Tân An). Nhiều lần địch đem chức tước ra khuyến dụ nhưng Đỗ Tường Phong vẫn giữ lòng trung kiên, không khuất phục. Ngày 29/4/1878 (sau ngày ông Đỗ Tường Tự bị xử tử 3 ngày), Pháp xử chém ông tại nghĩa địa Tân An (nay thuộc phường 7, TP.Tân An).
Trước khi bị xử tử, ông còn ngâm một bài thơ nói lên khí tiết của người yêu nước: “Thà chịu chết chứ không đầu hàng, không làm tay sai cho giặc”. Ông được gia đình an táng tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành.
Mộ ông Đỗ Tường Phong được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Năm 2022, khu Di tích lịch sử Mộ ông Đỗ Tường Phong được trùng tu, tôn tạo và nhận được sự đồng thuận của người dân trong khu vực. Nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, Đoàn Thanh niên xã Phú Ngãi Trị thường xuyên tổ chức chăm sóc, dọn vệ sinh tại khu di tích.
Bí thư Đoàn xã Phú Ngãi Trị - Huỳnh Minh Thiện cho biết: “Đoàn xã vừa ra quân trồng hoa dọc theo đường dẫn vào khu Di tích lịch sử Mộ ông Đỗ Tường Phong. Việc dọn vệ sinh tại khu Di tích. Mộ ông Đỗ Tường Phong cùng các khu di tích khác trên địa bàn xã được đoàn viên, thanh niên thực hiện thường xuyên. Song song đó là các hoạt động về nguồn, ôn lại truyền thống, giáo dục lòng yêu nước cho đoàn viên”.
Với vai trò là Bí thư Đoàn xã, anh Huỳnh Minh Thiện chủ động tìm hiểu thông tin về các khu di tích lịch sử trên địa bàn xã để tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên trong các dịp về nguồn, sinh hoạt hè, sinh hoạt dưới cờ, kết nạp đoàn viên,... Việc tuyên truyền được thực hiện theo 2 hình thức: Trình chiếu Powerpoint tại hội trường và thuyết minh trực tiếp tại khu di tích.
Anh Huỳnh Minh Thiện chia sẻ: “Trên địa bàn xã có nhiều di tích lịch sử, tất cả đều gắn liền với truyền thống yêu nước của cha ông. Việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là việc làm cần thiết, ý nghĩa nhằm vun bồi lòng tự hào dân tộc, yêu quê hương, đất nước.
Quê hương Châu Thành tự hào là nơi sinh ra của nhiều danh nhân, nhà yêu nước. Đó là điều mà mỗi người trẻ Châu Thành cần được biết và hiểu rõ”.
Để ghi nhớ sự hy sinh của ông Đỗ Tường Phong, Đỗ Tường Tự cũng như các nghĩa sĩ yêu nước chống Pháp, người dân Châu Thành hàng năm đều tổ chức lễ cúng tại đình Tân Xuân với danh nghĩa là trừ tà ma, cầu mưa thuận, gió hòa. Ngày nay, lễ cúng ấy được phát triển thành Lễ hội Làm Chay - Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, thu hút hàng chục ngàn người tham gia.
Tên ông Đỗ Tường Phong được đặt cho tuyến đường chính tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành và một tuyến đường thuộc khu vực phường 2, TP.Tân An./.
Các tin khác
- Bình Lục - ngôi đình cổ ở Châu Thành (09/10/2024)
- Tú tài Trà Quý Bình - Hào kiệt đất Châu Thành (07/10/2024)
- Đôi chiếu Thuận Lễ và gương hy sinh oanh liệt của ông Đỗ Tường Tự (21/08/2024)
- Tự hào nhà trí thức yêu nước Phan Văn Đạt (14/08/2024)
- Châu Văn Giác - Nhà hoạt động cách mạng kiên trung (13/08/2024)
- Đường Trần Văn Nam - Tuyến đường mang tên nguyên Bí thư Huyện ủy Châu Thành (25/06/2024)
- Tỉnh Long An vừa có quyết định đổi tên Trường Trung học phổ thông chuyên Long An thành Trường Trung học phổ thông chuyên Trần Văn Giàu. (25/06/2024)
- Giới thiệu 11 Di tích trên địa bàn huyện Châu Thành (09/04/2024)
- Nhà ghi ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng - Công trình của lòng tri ân (08/01/2024)
- Châu Thành thông qua phương án thiết kế công trình cải tạo Đình Tân Xuân (14/11/2023)
Trang đầu 1 2 3 Trang cuối