Thông tin tuyên truyền

Nét đẹp văn hóa Lễ hội Làm Chay – từ truyền thống đến hiện đại

09/02/2025 12:40:57PM
Màu chữ Cỡ chữ

Đối với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh, bởi “văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh). Giữ gìn nét văn hóa trong lễ hội cũng là cách để mỗi người dân trải nghiệm đời sống nội tâm sâu lắng hơn. Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Vân nhận định “Lễ hội đầu năm là một nét văn hóa riêng của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nó chỉ thật sự đẹp khi mỗi người đến với lễ hội đó với một tâm thành và ý thức giữ gìn truyền thống dân tộc”.

Từ những ngày giáp Tết, cư dân thị trấn Tầm Vu và các xã lận cận đã tất bật chuẩn bị cho Lễ hội Làm Chay. Lễ hội khởi phát từ cuối thế kỷ XIX để cúng tế các nghĩa sĩ hy sinh trong phong trào kháng chiến chống Pháp; đồng thời, cầu siêu cho các vong linh vất vưởng, các vong linh ma quỷ để chúng không làm hại con người và cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, người dân an tâm lao động sản xuất, đạt mùa màng bội thu. Từ cuối thế kỷ XIX đến nay, Lễ hội Làm Chay trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân huyện Châu Thành, là nét văn hóa đặc sắc của tỉnh thu hút sự quan tâm của du khách thập phương. Theo lệ, vào đầu tháng Chạp hàng năm, Ban tổ chức Lễ hội Làm Chay huyện Châu Thành phối hợp với UBND thị trấn Tầm Vu, Ban quản trị đình Tân Xuân (địa điểm chính diễn ra lễ hội) đã tổ chức họp bàn triển khai kế hoạch, thành lập các tiểu ban phục vụ công tác tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tiểu ban và từng thành viên.

Đình Tân Xuân - nơi diễn ra Lễ Hội Làm Chay hàng năm (Ảnh: Hoàng Anh)

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất tỉnh Long An, là nơi hội tụ các yếu tố, nét đẹp văn hóa dân gian mang đậm tính cộng đồng, làng xã của người dân huyện Châu Thành hơn 100 năm nay. Cứ gần đến ngày này, mọi người lại nhắc nhau:

“Dù ai buôn bán bộn bề

Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.

Lễ hội có phần lễ gồm rất nhiều nghi thức, mỗi nghi thức có vai trò và ý nghĩa riêng, nhưng chung quy vẫn là cầu an và cầu siêu. Cầu an cho đất nước, cho cộng đồng dân cư và cầu siêu cho người đã khuất. Nét đặc trưng độc đáo của Lễ hội Làm Chay là liên kết, tổng hòa các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng. Điều có thể nhìn thấy rõ nhất trong lễ hội là sự đoàn kết của cộng đồng dân cư nơi đây, người dân đóng vai trò là chủ thể chính làm nên linh hồn của lễ hội.

Năm 2014, đình Tân Xuân được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và Lễ hội Làm Chay được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội Làm Chay hàng năm ngày càng được tổ chức long trọng, ngày càng nhiều đoàn du khách đến thăm viếng và thưởng ngoạn. Qua đó, lễ hội nhằm tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di tích Đình Tân Xuân và Lễ hội Làm Chay, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong thực hiện, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; duy trì và phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và du khách đối với các giá trị di sản văn hóa dân tộc tại Khu di tích này.

Lễ hội Làm Chay diễn ra trong suốt 3 ngày 14, 15, 16 tháng Giêng hàng năm. Từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng, người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành cùng các địa phương trong và ngoài tỉnh Long An lại náo nức chờ đón “cái Tết thứ 2”. Lễ hội Làm Chay vì thế trở thành sự kiện đáng chờ đợi, vừa là niềm tự hào về truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của mảnh đất quê hương Châu Thành nên dù ai “mua bán bộn bề” thì “Làm Chay mười sáu” cũng luôn “nhớ về Tầm Vu”.

Lễ hội Làm Chay Xuân Ất Tỵ năm 2025 được tổ chức từ ngày 11-13/2 (ngày 14 đến 16 tháng Giêng) có nhiều hoạt động với không gian kéo dài từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước, chùa Ông, miễu Điền, miếu Âm Nhơn, Thánh Thất Phương Quế Ngọc Đài, sông Tầm Vu...

Chương trình Lễ hội Làm Chay năm 2025 (Nguồn: Ban tổ chức Lễ hội Làm Chay)

Đối tượng chính của Lễ Làm Chay là ông Tiêu, tức Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát, đại diện cho chính trực với hình tượng dữ tợn, trừng phạt kẻ ác, theo Phật giáo và tâm thức dân gian là vị đứng đầu và cai quản thế giới ma quỷ. Hình ảnh Ông Tiêu trong Lễ Làm Chay được thể hiện rất công phu, cao khoảng 2 mét, mặc áo giáp trụ, đầu có sừng và có cả trăm gương mặt trên khắp thân người. Đặc biệt, ông Tiêu có lưỡi bằng giấy hồng dài gần nửa mét, là nơi tập trung mọi quyền lực, phép thuật của ông Tiêu.

Chiều ngày 14 tháng Giêng, Lễ hội Làm Chay đông đúc, sôi nổi với tiết mục biểu diễn múa lân lúc 16 giờ. Tiếp đó là diễu hành xe hoa từ thị trấn Tầm Vu – Dương Xuân Hội – An lục Long, lễ hội năm nay, xe hoa sẽ được trang trí với hình ảnh Đình Tân Xuân và những thành tựu của chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, gắn liền với các di tích lịch sử và văn hóa địa phương. Đến 20 giờ là văn nghệ chào mừng Lễ hội Làm Chay năm Ất Tỵ 2025 với chương trình biểu diễn nghệ thuật cải lương và tuồng cổ phục vụ nhân dân.

Ngày 15 tháng Giêng, sau khi viếng mộ Nhà yêu nước Đỗ Tường Phong, lễ hội bắt đầu với nghi thức rước Ông Tiêu. Đoàn rước gồm các thành viên của ban khánh tiết đến Linh Phước tự làm lễ thỉnh ông Tiêu lên kiệu đưa về chùa Ông (Linh Võ tự).

Tiếp đến, đoàn rước từ đình Tân Xuân đến chùa Linh Phước thỉnh chư Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy, rước tượng Phật Thích Ca và hai Bồ tát là A Nan và Ca Diếp bằng gỗ thiếp vàng, đặt ở bàn thờ trung tâm đình Tân Xuân, niệm kinh Phật.

Ở khu vực sân đình Tân Xuân, Ban tổ chức lễ hội thực hiện các nghi thức niệm hương, gióng ba hồi trống chiêu hồn và vào viếng mộ vị thủ lĩnh nghĩa quân Đỗ Tường Tự.

Sau lễ rước là các nghi thức: nghi thức Khai kinh tụng cầu an do các nhà sư Phật giáo phụ trách; nghi thức cúng tế liệt sĩ (hay còn gọi là nghĩa sĩ trận vong) do bổn đạo Cao Đài đảm nhiệm; nghi thức Đề phan liệt sĩ do vị sư cả Phật giáo chủ trì, tụng kinh, treo lá phan có nội dung ca ngợi công ơn hy sinh vì Tổ quốc của các liệt sĩ. Buổi tối vẫn là các hoạt động giao lưu văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật cải lương và xe hoa xuất phát từ đình Tân Xuân diễu hành vòng quanh thị trấn Tầm Vu, kéo dài đến nửa đêm.

Sang ngày 16 tháng Giêng, các trò chơi dân gian như như kéo co, đập nồi, nhảy bao bố được tổ chức, cùng với các hoạt động thể thao như bóng chuyền, cờ tướng, cầu lông, thi khéo tay mỹ thuật. Sau khi các trò chơi dân gian kết thúc, Ban tổ chức tiến hành thỉnh mâm cỗ cùng bánh kẹo đồ cúng, phát cho trẻ em và khách thập phương như phát lộc.

Buổi trưa, nghi thức thỉnh Ông Tiêu lên giàn được thực hiện. Đám rước xuất phát từ đình Tân Xuân đến chùa Ông, rước Ông Tiêu về đình đặt trên bàn thờ tại giàn Ông Tiêu. Trước giàn Ông Tiêu treo lá phướn và đôi câu đối. Cùng lúc ấy, một đám rước khác đến miếu Âm Nhơn thỉnh cô hồn. Sau khi cúng vái, lư hương cô hồn được đưa về đặt tại bàn cúng cô hồn trên giàn ông Tiêu.

Lễ chiêu u (rước cô hồn) gồm chiêu u đường sông và chiêu u đường bộ. Lễ chiêu u có sự tham gia đông đảo của quần chúng nhân dân, đến các địa điểm chiêu u cúng vái, thỉnh cô hồn về giàn Ông Tiêu.

Chiêu u đường bộ từ thị trấn Tầm Vu lần lượt qua các xã Dương Xuân Hội, Long Trì, An Lục Long, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông, Phước Tân Hưng, Phú Ngãi Trị, Bình Quới, Hiệp Thanh, Vĩnh Công, Hòa Phú trở về thị trấn. Hoạt động có sự tham gia đông đảo của người dân nhất là Thỉnh kinh - Đánh động - Thỉnh thầy. Đoàn thỉnh kinh gồm các sư thầy và người dân hóa trang thành Tam Tạng, Tề Thiên, Bát Giới, Sa Tăng tập trung trước giàn ông Tiêu nghe chiếu. Sau đó, thầy trò Đường Tăng lên xe hoa đến các động đã được chuẩn bị trước để tiêu diệt yêu quái. Mỗi động là đại diện cho một xã lận cận của thị trấn Tầm Vu, do thanh niên trong xã tự dàn dựng, hóa trang. Đoàn thỉnh kinh sau khi "phá hết các động” sẽ vào chùa lạy Phật, thỉnh kinh, thỉnh thầy rồi trở về trước giàn ông Tiêu.

Chiêu u đường sông, từ thị trấn Tầm Vu đến cầu Ông Cưỡng – Cầu Dựa, nghi thức Phóng đăng diễn ra trên sông Tầm Vu hướng tới sự giác ngộ, giải thoát chúng sinh. Ghe đăng được cộng đồng trang trí rất công phu từ những ngày chuẩn bị lễ hội. Biểu tượng chính của ghe đăng trong Lễ hội Làm Chay năm 2025 là Lân, đại diện cho tứ linh (Long, Lân, Qui, Phụng). Ghe đăng có bàn thờ đặt bài vị, mâm cúng, cỗ bánh và nhang đèn. Trên ghe có 2 người sắm vai Quỷ dạ xoa, ông Địa, 2 trẻ em làm Kim Đồng và Ngọc Nữ. Khi Quỷ dạ xoa, ông Địa múa roi lửa ở ghe đăng dưới sông, thì trên bờ, các vị sư tụng kinh. Ghe đăng sau đó tiến ra sông để thả gáo dừa đựng cát tẩm dầu đốt cháy làm đèn thả trôi trên sông.

Tiếp đến, lễ hội tổ chức các trò chơi dân gian thả vịt (bắt vịt) và biểu diễn Lân Sư Rồng.

Nghi thức quan trọng nhất là nghi thức Xô giàn - đưa khách để tống tiễn cô hồn được tiến hành vào lúc 12 giờ đêm ngày 16 tháng Giêng. Tất cả lễ vật trên giàn được rải xuống và phân phát hết cho trẻ em, sau đó thực hiện lễ đốt hình ông Tiêu kèm theo vàng mã. Chiếc thuyền giấy có khung bằng tre được đặt trên bè chuối, trên thuyền đặt lễ vật cúng tế làm nhiệm vụ đưa khách (cô hồn), được thả xuôi theo dòng sông Tầm Vu sau một hồi trống tiễn. Đoàn đưa khách quay về đình thỉnh lư hương về miếu Âm Nhơn. Lễ hội Làm Chay đến đây kết thúc.

“Tầm Vu mở hội Làm Chay

Vui mừng cuộc sống hôm nay đổi đời”

Lễ hội Làm Chay thể hiện sự hòa hợp dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống và bản sắc địa phương, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” đối với các bậc tiền nhân có công mở cõi và khai cơ lập nghiệp, các anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ,... Lễ hội Làm Chay mang đậm nét văn hóa cộng đồng, là nơi gặp gỡ, giao lưu bạn bè thân thiết, du khách thập phương tìm hiểu về nét đặc sắc trong văn hóa của lễ hội từng vùng miền. Người dân được vui chơi, giải trí, đón cái Tết thứ 2 cùng cả cộng đồng cư dân đông đúc sau một năm vất vả làm việc, lao động sản xuất. 

Song song với ý nghĩa đó, nhiều người tin tưởng rằng khi Lễ hội Làm Chay được tổ chức thành công thì trong năm, người dân sẽ gặp nhiều may mắn trong công việc và cuộc sống. Chính vì vậy, Lễ hội Làm Chay luôn được mong chờ và trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân huyện Châu Thành. Qua đó, thể hiện quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Châu Thành, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước và truyền thống anh hùng của huyện nhà trong tâm khảm mỗi người dân trong thời đại mới./.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy Châu Thành

Các tin khác