Kinh tế

Huyện Châu Thành tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP năm 2024

03/10/2024 03:42:8PM
Màu chữ Cỡ chữ

Ngày 03/10/2024, huyện Châu Thành tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng huyện Nguyễn Thị Diễm Quỳnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, và Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ảnh: Quang cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng đã xem xét và đánh giá 05 sản phẩm, bao gồm thanh long sấy dẻo và đu đủ sấy dẻo của Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Long Châu (thị trấn Tầm Vu) cùng với sản phẩm lạp xưởng Thúy Hằng của hộ kinh doanh Huỳnh Thị Hằng (xã Bình Quới), sản phẩm bánh ít, bánh tét Cô Lệ của hộ kinh doanh Lê Thị Lệ (xã Vĩnh Công).

Sau khi các chủ thể trình bày về quy trình sản xuất, thành phần nguyên liệu, nhãn hiệu, bao bì, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, Hội đồng đã đóng góp ý kiến và tiến hành chấm điểm, phân hạng. Kết quả, cả 05 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp huyện năm 2024.

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Diễm Quỳnh đã phát biểu đánh giá, ghi nhận chất lượng các sản phẩm và khuyến nghị các chủ thể tiếp tục hoàn thiện, đầu tư, và mở rộng sản xuất trong tương lai.

Ảnh: Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Thị Diễm Quỳnh đã phát biểu đánh giá, ghi nhận chất lượng các sản phẩm OCOP

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng, nhằm thúc đẩy tiềm năng và lợi thế của các sản phẩm đặc trưng tại từng địa phương. Tại huyện Châu Thành, chương trình OCOP đã được triển khai mạnh mẽ và mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo ra những sản phẩm chất lượng, mang tính đặc trưng của vùng, huyện Châu Thành hiện đã  có 21 sản phẩm OCOP 3 sao.

Những sản phẩm tham gia chương trình không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa, truyền thống của địa phương, mà còn có tiềm năng lớn trong việc nâng cao giá trị thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Việc phát triển các sản phẩm như thanh long sấy dẻo, đu đủ sấy dẻo, bánh ít, bánh tét và lạp xưởng … không chỉ giúp tăng thu nhập cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại địa phương mà còn khẳng định thương hiệu sản phẩm của huyện Châu Thành.

Chương trình OCOP giúp các chủ thể sản phẩm chú trọng hơn vào việc cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm một cách bền vững. Đồng thời, đây cũng là nền tảng quan trọng để các sản phẩm địa phương vươn ra thị trường quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững và hiện đại hóa./.

Minh Trực

Các tin khác