Thông tin tuyên truyền

Châu Thành với truyền thống 70 năm Chiến thắng trận Miễu Bà Cố (24/2/1954 – 24/2/2024)

21/02/2024 07:22:32PM
Màu chữ Cỡ chữ

Cách đây 70 năm, trên vùng đất này, vào ngày 24/2/1954, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Tiểu đoàn 309 phối hợp với địa phương quân Vàm Cỏ đã phục kích và mưu trí, bất ngờ diệt gọn Tiểu đoàn 502 và Đại đội 14 của địch, lập nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên đất Long An. Chiến thắng Miễu Bà Cố hay còn gọi là trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử giải phóng dân tộc, bảo vệ quê hương đất nước.

Miễu Bà Cố là tên gọi của một ngôi miếu nhỏ được hình thành cách nay hàng trăm năm tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị của huyện Châu Thành, gắn liền với truyền thuyết dân gian ở địa phương về một người phụ nữ mà người dân tôn kính vì có công trị bệnh cho người dân, đến khi qua đời được người dân tiếc thương và kính ngưỡng, lập miếu thờ và vì không biết tên nên gọi là bà cố và đặt tên ngôi miếu là “Miễu Bà Cố”. Một di sản văn hóa, truyền thuyết dân gian phản ánh lịch sử khai phá vùng đất Châu Thành và tinh thần nhân văn của lưu dân người Việt trong công cuộc Nam tiến, mở cõi đất phương Nam.

Ngôi Miếu Bà Cố tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị của huyện Châu Thành

* Truyền thống trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

Từ sau chiến dịch Biên Giới 1950, nhận thức được tình thế nguy nan có thể dẫn đến thất bại hoàn toàn ở Đông Dương, trước cục diện này, được sự hậu thuẫu của Mỹ, tháng 5/1953 Chính phủ Pháp đã cử tướng Hăng-Ri-Na-Va (Henri Navarre) sang làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Với mục đích “uốn nắn lại tình hình Đông Dương”, xoay chuyển tình thế bại thành thắng trong một thời gian ngắn, tướng Hăng-Ri-Na-Va đã đề ra kế hoạch Na-Va với 2 bước căn bản, mà mấu chốt là tập trung được một lực lượng cơ động lớn, ổn định miền Nam để tiến công ra miền Bắc.

Nằm phía Tây Bắc thành phố Tân An, nơi hợp lưu giữa hai sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, huyện Vàm Cỏ (nay  là Châu Thành và Tân Trụ) có vị trí quân sự quan trọng nên trong các thời kỳ lịch sử, địch luôn triển khai một lực lượng quân sự lớn và thường xuyên túc trực tại nơi đây.

Trước tình hình và nhiệm vụ cách mạng, quán triệt nội dung và tinh thần phương châm chỉ đạo chiến lược của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam đề ra vào tháng 11/1953 và chủ trương của Phân liên Khu miền Đông về việc tăng cường hoạt động chiến tranh du kích, kềm chân và làm tiêu hao sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa cách mạng, phối hợp với chiến trường trong cả nước, Tỉnh ủy Tân Mỹ Gò đã phát động phong trào địch ngụy vận, đưa bộ đội chủ lực tỉnh thọc sâu những vùng địch tạm chiếm, đồng thời hỗ trợ các địa phương mở ra những vùng giải phóng mới.

Thực hiện chủ trương trên của Tỉnh ủy, sau khi khảo sát nắm bắt rõ tình hình vùng Châu Thành, ngày 22/2/1954 Ban chỉ huy Tiểu đoàn 309 đã đưa Đại đội 939 về cùng phối hợp với lực lượng địa phương quân Vàm Cỏ và du kích xã tiến hành tấn công tiêu diệt đồn Vĩnh Công. Sau khi diệt bót Vĩnh Công, lực luợng ta nhanh chóng trở về điểm trú quân đóng trên khu vực trải dài từ ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị đến ấp 5, xã Hiệp Thạnh. Chính tại khu vực này, Tiểu đoàn 502 và Đại đội 14 của địch đã bị Tiểu đoàn 309 và địa phương quân Vàm Cỏ của ta tiêu diệt. Vì vậy, trận miễu Bà Cố còn gọi là trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố.

Ngày 23/2/1954 qua trinh sát, đoán trước được tình hình địch sẽ cho quân càn quét lại, Ban chỉ huy Tiểu đoàn 309 đã khẩn trương nhanh chóng vạch ra các phương án tác chiến cụ thể, tham gia trận chiến. Ngoài lực lượng Đại đội 939, địa phương quân Vàm Cỏ, du kích xã còn có thêm Đại đội 941 của Tiểu đoàn 309 từ khu vực Đồng Tháp Mười xuống. Đúng như dự tính của ta, khoảng 10 giờ ngày 24/02/1954 địch cho 2 cánh quân từ hai hướng Tầm Vu và Vĩnh Công tiến vào khu vực xã Hiệp Thạnh, ta nhanh chóng triển khai lực lượng phục kích, chặn đánh, theo đó Trung đội A của Đại đội 939 sẽ đánh địch ở khu vực xóm Cù Giỏi. Trung đội B của Đại đội 941 cùng bộ đội địa phương đánh địch ở mặt Vĩnh Công.

Trận đánh diễn ra vào ngày 24-4-1954, chia 2 đợt:

- Buổi sáng, lực lượng ta chặn đánh địch từ ấp Bình Trị và truy kích chúng đến cầu Bà Thơm (xã Hiệp Thạnh). Một cánh quân khác của ta tiến công địch ở hướng Vĩnh Công và truy kích chúng chạy dạt ra lộ 12 (nay là đường Nguyễn Thông).

- Trong khi trận đánh buổi sáng chưa kết thúc thì Ban Chỉ huy được trinh sát báo cáo: khoảng 1 trung đội địch từ  Kỳ Son hành quân theo lộ 12 tiến vào cầu Biện Trẹt (xã Phú Ngãi Trị). Sau này qua khai thác tù binh, ta mới biết đây là Tiểu đoàn 502 và Đại đội 14 hành quân bằng cơ giới từ Tân An xuống Kỳ Son. Đến Kỳ Son, chúng xuống xe và hành quân bộ vào Phú Ngãi Trị. Ban Chỉ huy trận đánh liền ra lệnh cho các đơn vị đang truy kích địch nhanh chóng trở về vị trí, chuẩn bị đánh cánh quân này.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, lực lượng ta với thế đón lõng, chia làm 3 gọng kìm bao vây tiêu diệt địch:

- Trung đội A thuộc Đại đội 399 (Tiểu đoàn 309) ém quân tại ấp Bình Trị, kết hợp Trung đội B có trách nhiệm khóa đuôi và đánh vào sườn bắc đội hình địch.

- Đại đội 941 (Tiểu đoàn 309) và địa phương quân Vàm Cỏ ém quân tại huớng bắc rạch Bà Quạ chịu trách nhiệm đánh xuyên hông đội hình địch.

- Trung đội C thuộc Đại đội 939 (Tiểu đoàn 309) và tổ trợ chiến tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh chính diện.

Với sự bố trí trên, bằng sự mưu trí, bất ngờ, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn trận địa. Trận đánh diễn ra ác liệt nhất là từ cầu Biện Trẹt đổ dài vào khu vực Miễu Bà Cố, cách miễu khoảng 300m về hướng nam. Kết thúc trận đánh, ta tiêu diệt 145 tên địch, bắt sống 123 tên, thu trên 200 súng các loại cùng nhiều quân trang, quân dụng. Về phía ta, có 01 đồng chí hy sinh và 05 đồng chí bị thương.

* Ý nghĩa lịch sử Chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố

Chiến thắng Miễu Bà Cố năm 1954 là chiến công vang dội của Đảng bộ, quân và dân Châu Thành nói riêng và Long An nói chung trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của tỉnh nhà. Đó là thành quả của tinh thần đoàn kết cao độ, ý chí chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta.

Chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố 1954 cho thấy lực lượng vũ trang của tỉnh nhà đã lớn mạnh và trưởng thành về trình độ tác chiến chỉ huy, có thể đương đầu và đánh bại quân chủ lực Pháp. Chiến thắng Miễu Bà Cố đã giúp ta mở rộng vùng giải phóng, tạo ra thế và lực mới trên chiến trường địa phương, khiến cho địch phải hoang man, lo sợ, co cụm cố thủ trong các đồn bót. Cùng với chiến trường Nam Bộ, chiến thắng trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố đã góp phần làm phá sản kế hoạch Na-Va của Pháp muốn bình ổn miền Nam nhanh chóng, buộc Pháp phải phân tán lực lượng, không thể tiến hành xây dựng một khối quân sự chủ lực mạnh, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953 – 1954 dẫn đến kết thúc thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Chiến thắng Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố đã chứng minh cho sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam mà trực tiếp là Tỉnh ủy Tân An, góp phần củng cố niềm tin trong quân dân, cổ vũ phong trào đấu tranh trong nhân dân ngày càng phát triển, vững bước tiến lên đối diện với thách thức, khó khăn mới.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, kế thừa tinh thần cách mạng cũng như những kinh nghiệm chiến đấu từ trận Hiệp Thạnh - Phú Ngãi Trị - Miễu Bà Cố 1954 năm xưa, Đảng bộ và quân dân Châu Thành nói riêng và tỉnh Long An nói chung đã tiến lên liên tiếp giành được nhiều chiến công vẻ vang, lần lượt đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của Mỹ và Chính quyền Sài Gòn, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975 thống nhất nước nhà.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ với lịch sử đấu tranh hào hùng, Châu Thành đã vinh dự 2 lần được nhận danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” góp phần tô thắm, làm nên một Long An với tám chữ vàng: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Năm 1994, nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng trận Phú Ngãi Trị - Hiệp Thạnh - Miễu Bà Cố, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã long trọng tổ chức mít-tinh và làm Lễ khánh thành “Bia Chiến thắng xã Phú Ngãi Trị - Hiệp Thạnh - Miễu Bà Cố” tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành. Bia tọa lạc tại đường Nguyễn Thông, cách UBND xã Phú Ngãi Trị khoảng 2,5 km. Cùng với những chiến tích khác trong tỉnh, chiến thắng trận Phú Ngãi Trị - Hiệp Thạnh - Miễu Bà Cố là điểm son tô thắm truyền thống yêu nước, trường kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của đất và người Châu Thành nói riêng và Long An nói chung, hun đúc thêm lòng tự hào và tình yêu quê hương cho thế hệ hôm nay và mai sau. Khu vực Miễu Bà Cố đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 1649/QĐ-UB, ngày 17/8/1994.

Bia Chiến thắng xã Phú Ngãi Trị - Hiệp Thạnh - Miễu Bà Cố, tọa lạc tại đường Nguyễn Thông, xã Phú Ngãi Trị 

* Châu Thành hôm nay - vững bước tương lai

Kế thừa và phát huy khí thế quật cường và tinh thần bất diệt của chiến thắng trận Phú Ngãi Trị - Hiệp Thạnh - Miễu Bà Cố, sau gần 50 năm thống nhất đất nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy – HĐND – UBND – UBMTTQ và các ban ngành đoàn thể tỉnh cùng với sự đoàn kết của quân và nhân dân Châu Thành đã đạt nhiều kết quả quan trọng, vượt qua thách thức, khó khăn, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2023, trong bối cảnh chung và điều kiện của huyện Châu Thành có ít thuận lợi, còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã đoàn kết, chung lòng, nỗ lực, quyết tâm thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện vượt và đạt 14/14 chỉ tiêu (trong đó vượt 11/14 chỉ tiêu, đạt 3/14 chỉ tiêu), hoàn thành hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; công tác chuyển đổi số được triển khai rộng khắp, chính sách an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, an ninh quốc phòng được giữ vững, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố và kiện toàn.

Trong năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ và thương mại, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, theo Quyết định 686/2023/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Châu Thành vừa là vùng chuyên canh thanh long công nghệ cao vừa được bổ sung thêm động lực mới với 03 khu công nghiệp nhờ vị trí nằm trong Hành lang phát triển phía Nam và với 02 trục động lực của tỉnh, là trục quốc lộ 50B và quốc lộ 62, (03 khu công nghiệp gồm: KCN Phú Ngãi Trị 240ha, KCN Phước Tân Hưng 392ha và KCN Thuận Mỹ 1.470ha); và 01 Trung tâm kho vận và dịch vụ Logisstic 150ha tại xã Hiệp Thạnh,…Đây sẽ là tiền đề để huyện Châu Thành vững bước đi lên.

Biểu tượng đặc trưng về kinh tế của huyện Nông thôn mới Châu Thành

Con đường xây dựng và phát triển huyện nhà sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với lòng tự hào và tràn đầy niềm tin, khí thế và quyết tâm mới, toàn thể cán bộ, đảng viên, và nhân dân, những người con Châu Thành – Long An đang sinh sống, học tập, làm việc trong và ngoài huyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, cùng nhau đoàn kết hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn thử thách, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và sâu rộng công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, xây dựng quê hương Châu Thành - Long An là huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024, hướng đến xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025 ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy

Các tin khác